Ths Dương Kim Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, sở hữu ô tô ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua.
Quy định bắt buộc sử dụng TBAT cho trẻ dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô là bước tiến trong đảm bảo ATGT cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, Hà Nội có tỷ lệ tăng sở hữu ô tô con lên đến 113,7% (giai đoạn 2014-2018) và sở hữu ô tô con là 60 xe/1.000 dân (năm 2018). Trong khi đó, các gia đình trẻ hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển dần ra ngoài thành phố sinh sống và di chuyển quãng đường xa thường xuyên, phổ biến hơn.
Do đó, việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe ô tô là vấn đề cần quan tâm.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cho thấy tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô rất thấp, trung bình chỉ có 1,3% xe ô tô sử dụng.
Trong khi đó, có đến 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình và 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Nhấn mạnh, trẻ em không nên ngồi ghế trước bởi sẽ chịu nhiều tác động khi xảy ra tai nạn, va chạm; dễ văng ra ngoài xe; chịu sự va đập của túi khí; thậm chí sẽ gây mất tập trung cho người lái xe vì sự hiếu động, tò mò của trẻ.
Chính vì thế, Luật TTATGT đường bộ đã quy định từ 1/1/2026 khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn (TBAT) phù hợp cho trẻ em.
TS Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia (bên trái) và Ths Dương Kim Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng (bên phải).
Lý giải vì sao người lớn có thể sử dụng dây an toàn của xe trong khi trẻ em thì không, ông Tuấn cho biết, dây an toàn không đảm bảo bảo vệ tốt nhất cho trẻ khi xảy ra va chạm do liên quan đến vị trí điểm tiếp xúc ngồi, cân nặng, chiều cao của trẻ em.
Đó là lý do cần phải có thiết bị an toàn được thiết kế theo đúng quy chuẩn để đảm bảo phù hợp với kích thước và trọng lượng của trẻ em, bảo vệ trẻ khi tham gia giao thông. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nêu rõ: Nếu sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ đáng tiếc khi có va chạm hoặc sự cố trong quá trình xe lưu thông.
Cụ thể giảm tỷ lệ tử vong từ 34-81%, giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35-72% và các chấn thương khác của trẻ giảm từ 25-58% trong các vụ va chạm giao thông.
Chia sẻ thêm, ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, có quan điểm cho rằng mẹ ôm con trên xe có thể bảo đảm an toàn cho trẻ, tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, khi xe chạy với tốc độ 30 km/giờ, xảy ra va chạm thì lực quán tính tương đương với 3 bao xi măng, tức 150kg và người mẹ gần như không thể giữ con lại được.
Còn nếu va chạm ở tốc độ 60km/h, lực quán tính tương tương đương với 6 bao xi măng, tức 300kg, lúc đó thậm chí những người lớn trên xe còn không giữ nổi mình, chưa nói đến giữ trẻ em.
"Suy nghĩ người lớn ngồi sau có thể bế hoặc giữ trẻ em để phòng ngừa va chạm là nhận thức không đúng về sự nguy hiểm khi có va chạm. Chỉ có dây an toàn đối với người trưởng thành và thiết bị an toàn mới có thể bảo vệ trẻ em", ông Minh nhấn mạnh.
Tại Malaysia, luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em có hiệu lực từ năm 2020. Đất nước này quy định nếu người lớn không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới dưới 6 tuổi hoặc dưới 135cm chiều cao sẽ bị phạt tiền lên tới 500RM (khoảng 2,6 triệu VND).
Sau một năm thực hiện, người dân đất nước này đã tăng sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ từ 34% lên 70%, giảm 17% số ca tử vong của trẻ em dưới 12 tuổi trong tai nạn giao thông
Nguồn: baogiaothong.vn