Khoảng 9h30’ ngày 16/5, tổ công tác kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên thuộc phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra xe ô tô khách mang BKS 20B-006.16 do ông Nguyễn Hồng Nam (SN 1986, trú tại tổ 3, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên) điều khiển theo hướng Tuyên Quang đi Hà Giang.
Qua quá trình kiểm tra giấy tờ, lái xe xuất trình 01 giấy phép lái xe (GPLX) hạng D mang tên Nguyễn Hồng Nam.
Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác nhận thấy GPLX của ông Nam có nhiều điểm đáng ngờ thông qua màu sắc và chất liệu. Nghi vấn không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp, tổ công tác đã xác minh thông qua các biện pháp nghiệp vụ.
Qua đấu tranh, ông Nam khai nhận đã mua giấy phép lái xe nói trên qua mạng xã hội để hành nghề lái ô tô khách.
Trung tá Đào Việt Hà, Trạm trưởng Trạm CSGT Hàm Yên cho biết: "GPLX giả cơ bản giống với của GPLX thật, tuy nhiên màu sắc có dại hơn một chút. Tuy nhiên các cán bộ chiến sĩ vẫn chủ yếu dựa trên tâm lý của người sử dụng GPLX giả.
Thông thường ban đầu những người sử dụng GPLX giả này sẽ trốn tránh việc xuất trình vì sợ lực lượng chức năng phát hiện và tiến hành kiểm tra xử lý".
Các đối tượng bán GPLX giả đánh vào nhu cầu của những người có nhu cầu cần GPLX mà không muốn tham gia vào các lớp học, trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe chính thống.
Trực tiếp làm nhiệm vụ TTKS, thiếu tá Hà Quang Đàm - Phó đội trưởng phụ trách Đội CSGT Đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, có nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả được làm theo mẫu cũ thì dễ phát hiện, nhưng có trường hợp sử dụng GPLX giả làm theo mẫu mới rất tinh vi, có đủ số seri và mã QR… nên đôi khi khó phát hiện.
Tuy nhiên, thông qua màu sắc, chất liệu và thông tin được kiểm tra trên các website chính thống của Nhà nước cùng các biện pháp nghiệp vụ khác, Đội CSGT Đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện, xử lý được rất nhiều trường hợp.
Cụ thể, vào 22h05 ngày 28/3, tại Km 128+700 QL2 (thuộc xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang), Tổ TTKS Đội CSGT Đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang do thiếu tá Đàm làm tổ trưởng, dừng kiểm tra phương tiện xe ô tô đầu kéo mang BKS 88C - 294.22 kéo theo sơ-mi rơ-moóc mang BKS 89R-019.34 do ông Lê Văn Sơn (SN 1993, trú tại thôn Mới, xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) điều khiển có dấu hiệu vi phạm trật tự ATGT.
Qua quá trình kiểm tra giấy tờ, thiếu tá Đàm nhận thấy GPLX của đối tượng này có chất liệu mềm hơn, độ đàn hồi kém hơn, nét chữ, con dấu không được sắc nét, chân thực như GPLX thật, nên đã nghi vấn GPLX hạng FC của Lê Văn Sơn không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Qua đấu tranh, đối tượng Sơn khai nhận đã mua GPLX giả trên mạng xã hội facebook với giá 4 triệu đồng. Ngay sau đó, tổ công tác đã đưa Lê Văn Sơn về trụ sở để tiếp tục làm việc. Sau đó bàn giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan CSĐT Công an thành phố Tuyên Quang điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm.
Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ năm 2023 đến nay, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện và xử lý 14 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả, có 8/14 trường đã bị khởi tố. Chủ yếu những đối tượng bị khởi tố bao gồm tài xế xe khách, xe đầu kéo sử dụng GPLX giả để lưu thông.
Dù các lực lượng CSGT tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt hàng loạt trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền, cảnh báo người dân không mua, sử dụng GPLX giả, tuy nhiên tình trạng làm giả, mua bán GPLX giả vẫn diễn ra nhộn nhịp và ngang nhiên, đặc biệt là việc mua bán qua mạng xã hội.
Theo thiếu tá Phạm Văn Tuấn, công tác đấu tranh với các đối tượng làm giả GPLX trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram…) thường gặp khó khăn, thách thức vì mối quan hệ giữa người mua và người bán chủ yếu không quen biết nhau, chỉ giao tiếp qua không gian mạng.
Cách thức trao đổi mua bán thường núp bóng dưới nhiều thức giao dịch tinh vi (ví dụ: cách thức nhận giấy phép lái xe giả là thông qua đơn vị vận chuyển trung gian dưới hình thức vận chuyển thẻ sim điện thoại nhưng bên trong là chứa GPLX giả, thanh toán khi nhận hàng).
Các đối tượng bán GPLX giả thường sử dụng các thông tin tài khoản, số điện thoại là các thông tin cá nhân, số điện thoại giả, không chính xác.
Các đối tượng làm bằng giả hoạt động ngày càng tinh vi.
Việc mua bán giấy phép lái xe giả không chỉ ảnh hưởng đến trật tự quản lý Nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường bộ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông. Những người chỉ bỏ tiền đi mua giấy phép lái xe giả, nhất là những lái xe tải, xe khách có thể gây ra những vụ tai nạn thảm khốc bất cứ lúc nào.
Người có hành vi sử dụng Giấy phép lái xe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự, phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Nguồn: baogiaothong.vn