Những năm gần đây, nhu cầu cải tạo ô tô thành xe nhà ở lưu động (xe mobihome) phục vụ những chuyến đi du lịch xa, cắm trại ngày càng phổ biến. Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều hội nhóm như: Mobihome Việt Nam, Hội Xe Mobihome & Camping Car Việt Nam… trở thành nơi chia sẻ kinh nghiệm thiết kế, cải tạo, thậm chí thuê, mua bán loại xe này.
Việc bổ sung quy định riêng về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhà ở lưu động phù hợp với nhu cầu của người dân hiện nay.
Anh Nguyễn Văn C (trú tại Hà Nội) cho biết, là một giám sát công trình xây dựng, anh ít có điều kiện về nhà để nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc.
Muốn có không gian riêng để nghỉ ngơi, ăn uống, tắm rửa sạch sẽ trong những ngày bận bịu ở công trình mà không phải thuê nhà nghỉ, năm 2023, anh mua chiếc xe GAZ 16 chỗ ngồi, tìm đến một cơ sở chuyên cải tạo xe mobihome ở Hà Nội để đặt hàng thi công, biến chiếc xe GAZ thành một chiếc mobihome.
"Đầu năm 2024, chiếc xe hoàn thành. Bên cạnh phục vụ nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc, tôi còn sử dụng để đưa gia đình đi du lịch", anh C nói và cho biết, chi phí để cải tạo chiếc xe khoảng 150 triệu đồng.
Không có điều kiện để mua và cải tạo như anh C, dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024 vừa qua, anh Vũ Đình L (trú tại Hà Nội) đã thuê xe mobihome để trải nghiệm cùng gia đình. Chiếc mobihome anh thuê được cải tạo từ xe Ford Transit 16 chỗ, có đầy đủ giường, đệm, tủ lạnh mini, bếp điện… với giá thuê 2 triệu đồng/ngày.
"Du lịch bằng xe mobihome là một trải nghiệm mới mẻ, gia đình tôi chủ động được hành trình", anh L nói.
Một giám đốc cơ sở thi công cải tạo xe mobihome tại Hà Nội cho biết, trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu cải tạo xe khách tải VAN (16 chỗ ngồi) thành xe mobihome khá lớn. Trung bình mỗi tháng, cơ sở nhận được từ 3-4 đơn đặt hàng, giá cải tạo dao động từ trên 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
Được ưa chuộng là thế nhưng hầu hết các xe mobihome cải tạo hiện nay đều trái phép, chưa được thẩm định hồ sơ thiết kế cũng như nghiệm thu. Việc thi công xe cũng không dựa trên bất cứ một tiêu chuẩn, quy chuẩn nào vì hiện nay tại Việt Nam chưa có quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) riêng dành cho loại xe này.
Đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, từ nhiều năm nay, đơn vị này chưa phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo nào liên quan đến xe mobihome.
Hiện nay, chưa có quy định riêng về ATKT & BVMT đối với xe nhà ở lưu động, để cải tạo xe cần tuân thủ quy định chung tại Thông tư 85/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 41/2023 quy định về cải tạo xe cơ giới).
Theo đó, phương tiện muốn được cải tạo, chủ xe phải làm hồ sơ thiết kế gửi sở GTVT địa phương hoặc Cục Đăng kiểm VN để thẩm định. Khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt thiết kế, chủ xe mới được thực hiện cải tạo. Sau khi cải tạo, chủ xe phải đưa phương tiện tới trung tâm đăng kiểm để nghiệm thu, nếu đạt mới được cấp đăng kiểm.
Tuy nhiên, hầu hết các xe mobihome hiện nay đều tự ý cải tạo khi chưa được nghiệm thu thiết kế, do đó nếu đi đăng kiểm sẽ bị từ chối. Phương tiện này cũng không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Vì thế, không ít trường hợp cải tạo xe mobihome đến thời hạn kiểm định, chủ xe liền tháo các trang bị trên xe về nguyên bản, sau khi đăng kiểm lại lắp đặt vào hòng "lách" quy định.
Giám đốc một cơ sở cải tạo xe mobihome cho biết, hầu hết các khách hàng có nhu cầu cải tạo đều lựa chọn dạng lắp đặt các chi tiết theo kiểu mô-đun để dễ dàng tháo ra khi xe đến hạn kiểm định.
"Việc tháo lắp các cụm chi tiết khá đơn giản, chỉ trong một buổi sáng là hoàn thành, sau khi đăng kiểm xe, chiều lắp lại là có thể tiếp tục sử dụng ngay trong ngày, tiền công chỉ bằng một bữa nhậu", vị này cho hay.
Tại dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng ATKT & BVMT đối với xe ô tô (sửa đổi, bổ sung QCVN 09:2015/BGTVT), Bộ GTVT đề xuất quy định ATKT & BVMT riêng với xe nhà ở lưu động.
Xe mobihome ngày càng được ưa chuộng bởi các gia đình tại Việt Nam. Tuy nhiên, đa số phương tiện chưa được nghiệm thu cải tạo.
Theo đó, đề xuất quy định số người cho phép chở (kể cả người lái) của xe nhà ở lưu động lớn nhất bằng số chỗ ngủ được bố trí trên xe; chỉ được sử dụng khoang sinh hoạt của xe khi xe đang dừng/đỗ.
Các yêu cầu trang bị tối thiểu trong khu vực sinh hoạt bao gồm: Không gian ngủ (có thể được chuyển đổi từ ghế ngồi); Bàn và ghế sinh hoạt; Thiết bị nấu ăn; Thiết bị vệ sinh; Kho/tủ chứa đồ.
Tất cả các đồ vật, phụ kiện, thiết bị nội thất không được có các cạnh sắc, góc nhọn và phải được bố trí, lắp đặt trong xe phải đảm bảo không bị xô lệch, cố định vị trí, có khả năng giảm thiểu nguy cơ gây thương tích cho tất cả mọi người khi xe ở trạng thái dừng/đỗ cũng như di chuyển.
Về ghế ngồi khi di chuyển, phải được bố trí về phía đầu xe (bao gồm cả ghế người lái) và hướng về phía trước theo chiều tiến của xe. Các ghế này phải có trang bị dây đai an toàn.
Hệ thống điện phục vụ sinh hoạt trên xe nhà ở lưu động phải được thiết kế độc lập với hệ thống điện chung của xe.
Dự thảo cũng quy định chi tiết các yêu cầu đối với hệ thống vệ sinh, thiết bị nấu nướng, các thùng chứa nước, nước thải, thiết bị phòng cháy chữa cháy… trên xe để đảm bảo an toàn khi vận hành.
Theo thành viên ban soạn thảo, những quy định trên được tham khảo từ quy định tại nhiều nước trên thế giới, đồng thời áp dụng với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT) cho biết thêm, QCVN 09:2015 đến nay đã áp dụng được 8 năm. Đến nay, nhu cầu của xã hội đã phát sinh ra nhiều kiểu loại phương tiện giao thông mới chưa được đề cập trong quy chuẩn này, trong đó có xe nhà ở lưu động. Do đó, cần bổ sung để đáp ứng thực tiễn.
Điều này cũng sẽ giúp các cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô có cơ sở pháp lý, căn cứ để phát triển, sản xuất xe mobihome đáp ứng nhu cầu của người dân; cơ sở để lập hồ sơ thiết kế, thi công khi cải tạo xe.
Theo baogiaothong.vn