Gửi câu hỏi đến đường dây nóng Báo Giao thông, bạn Phan Thị Ngọc Ánh (Đông Anh, TP Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đón một xe khách chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An để về quê. Trước khi di chuyển, nhà xe thu của tôi hơn 400 nghìn đồng nhưng không giao vé".
"Như vậy, hành vi không giao vé xe cho hành khách của nhà xe này có vi phạm gì? Nếu có, nhà xe bị xử phạt như thế nào?", bạn Ngọc Ánh hỏi.
Ảnh minh họa.
Về nội dung này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, theo khoản 15 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiêm cấm hành vi đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 69 của Luật này quy định người kinh doanh vận tải hành khách có các nghĩa vụ giao vé, chứng từ thu cước, phí vận tải cho hành khách.
Như vậy, người kinh doanh vận tải hành khách buộc phải giao vé cho khách và không được sang nhượng khách dọc đường. Nếu vi phạm, họ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền từ 600-800 nghìn đồng đối với hành vi điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trả vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định.
Trong trường hợp thu tiền vé cao hơn quy định thì buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe sang nhượng hành khách dọc đường cho xe khác mà không được hành khách đồng ý; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo baogiaothong.vn