Opt alp thumbnail
Tin tức chi tiết
TS Khuất Việt Hùng: Xử nghiêm "ma men" lái xe, tai nạn sẽ giảm
Ngày đăng: 05/05/2023;

Theo TS Khuất Việt Hùng, với chế tài xử phạt nồng độ cồn như hiện nay, chỉ cần lực lượng chức năng xử lý quyết liệt, chắc chắn tai nạn sẽ giảm.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ, song vẫn có tới gần 16.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, với chế tài xử phạt hiện nay, chỉ cần lực lượng chức năng tiếp tục xử lý quyết liệt, chắc chắn tai nạn sẽ giảm.

Ông Khuất Việt Hùng

Tín hiệu tích cực

Dù chế tài được cho là đã đủ răn đe, lực lượng chức năng cũng xử lý rất quyết liệt, song vi phạm nồng độ cồn vẫn rất phổ biến dịp nghỉ lễ vừa qua. Thực trạng này nói lên điều gì, thưa ông?

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 ngày nghỉ lễ, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 15.852 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trung bình mỗi ngày có hơn 3.000 tài xế cầm vô lăng sau khi uống rượu bia.

Nhiều người lo ngại con số vi phạm vẫn ở mức cao dù lực lượng chức năng đã rất quyết liệt ra quân xử lý, nhưng tôi cho rằng đây là tín hiệu tích cực.

 

Nghị định 100 được ban hành đến nay đã gần 4 năm. Quy định nào ban hành cũng cần có thời gian thực hiện để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết.
Tại Nga, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn được đánh giá sau 3 năm triển khai. Tại Việt Nam, thông thường sau 5 năm các quy định mới ban hành sẽ được sơ kết, đánh giá. Do đó, thời gian tới, có thể Luật Phòng chống tác hại rượu bia hay Nghị định 100 cũng sẽ được sơ kết đánh giá, những đề xuất mới có thể sẽ được xem xét để bổ sung dựa trên tình hình thực tế.

TS. Khuất Việt Hùng

 


Việc quyết tâm xử lý, phạt càng nhiều càng tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, từ đó dần hình thành thói quen đã uống rượu, bia không lái xe và tai nạn chắc chắn sẽ giảm.

Cũng có ý kiến cho rằng, xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, du lịch. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Đến nay, nhận thức chung của toàn xã hội về vi phạm nồng độ cồn đã được nâng cao, khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó quy định xử phạt nặng vi phạm nồng độ cồn được ban hành, người dân đều đồng tâm nhất trí, ủng hộ.

Bởi điều này còn nhằm mục tiêu phát triển an ninh con người, vì chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ con người, vì an toàn lợi ích của nhân dân theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây chính là nhiệm vụ cốt lõi, sống còn của cả hệ thống chính trị.

Cũng bởi vậy, khi lực lượng CSGT ra quân quyết liệt xử lý dịp cao điểm Tết Nguyên đán và dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua đã nhận được sự quan tâm, đồng tình từ người dân.

Trước đây, đâu đó chúng ta vẫn thấy những ý kiến thắc mắc việc xử phạt vi phạm của lực lượng CSGT, tuy nhiên chưa có trường hợp nào thắc mắc đối với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, trừ những trường hợp quá say, không làm chủ được hành vi của mình.

Cũng có những ý kiến cho rằng có thể bị oan khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn do ăn hoa quả, tuy nhiên đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy. Lực lượng CSGT rất thận trọng trong quá trình kiểm tra, xử lý bởi nếu xử phạt không đúng có thể sẽ bị khiếu nại.

Hay cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc ngưỡng quy định “nồng độ cồn bằng 0” do mỗi người có khả năng uống khác nhau. Tuy nhiên, luật không quy định việc say hay không say mà chỉ quy định hễ có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm.

Quy định nồng độ cồn bằng 0 thể hiện sự chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả. Điều này được chứng minh bằng những con số khi ngay trong tháng đầu tiên Luật có hiệu lực, số ca tử vong do TNGT đã giảm đến 40% so với cùng kỳ trước đó. Và đến nay, số vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn cũng giảm mạnh.

Chế tài đủ mạnh, chỉ cần làm nghiêm

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 ngày nghỉ lễ, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 15.852 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Trước việc vi phạm nồng độ cồn vẫn nhiều, không ít ý kiến đề xuất cần tăng nặng mức xử phạt, thậm chí bỏ tù lái xe uống rượu bia, kể cả khi chưa gây tai nạn. Ông có cho rằng điều này là cần thiết?

Theo tôi, chế tài hiện nay đã đủ răn đe, quan trọng là phải làm nghiêm, liên tục, không ngừng nghỉ. Điều này đã và đang được lực lượng CSGT triển khai quyết liệt, hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, không có vùng cấm, không du di bất kỳ trường hợp nào.

Đối với đề xuất phạt tù lái xe uống rượu bia, kể cả khi chưa gây tai nạn, hiện Khoản 4, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định. Cụ thể, những hành vi vi phạm các quy định pháp luật về trật tự ATGT có khả năng gây uy hiếp, có nguy cơ cao dẫn đến TNGT nguy hiểm có thể bị xem xét xử lý hình sự, kể cả trong trường hợp chưa gây ra hậu quả.

Do đó, quá trình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, xét thấy trường hợp vi phạm gần như mất kiểm soát về lý trí, hành vi mà vẫn điều khiển phương tiện, có khả năng uy hiếp an toàn của mọi người, dù chưa gây hậu quả có thể đề xuất xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu có hướng dẫn thực hiện của Hội đồng Thẩm phán thì sẽ dễ dàng triển khai hơn.

Ủng hộ CSGT lập chốt gần quán nhậu

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất, cần đa dạng hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm, chia nhỏ ra nhiều mức để phạt… Những nội dung này có khả thi và có nên được xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, thưa ông?

Nghị định 100 đã quy định mức xử phạt rất cao đối với vi phạm nồng độ cồn ngay ở mức thấp nhất, tạo ra tính răn đe lớn. Đi ô tô mỗi tháng chỉ mất khoảng 2-3 triệu đồng tiền xăng nhưng uống 1, 2 cốc bia có thể bị phạt hàng chục triệu đồng.

Điều này sẽ giúp người dân phải cân nhắc việc tham gia giao thông sau khi uống rượu bia hay không. Theo tôi, chỉ cần giữ các mức và chế tài phạt như hiện nay là đủ, song song với việc quyết liệt xử lý vi phạm.

Tôi cũng ủng hộ việc lực lượng CSGT lập chốt ở gần những quán nhậu, cửa hàng ăn uống bởi đây là việc kiểm soát từ ngọn. Khi thấy CSGT, người dân sẽ ý thức hơn trong việc không uống rượu bia hoặc nếu uống sẽ gọi taxi để về nhà thay vì tự lái xe.

Các chủ cửa hàng từ đó cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc khuyến cáo tới khách hàng của mình để tránh bị phạt và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Đối với đề xuất trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm, tôi cho rằng rất tốt và hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để triển khai cần phải xây dựng được cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đang khẩn trương triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư là nguồn dữ liệu gốc, giúp định danh từng cá nhân. Nếu có dữ liệu này, chỉ cần tra trên hệ thống định danh của mỗi cá nhân có thể xác định đã bị phạt mấy lần, từ đó có cơ sở để tăng nặng hành vi tái phạm hoặc trừ điểm bằng lái.

Cần sự chung tay của cả hệ thống

Quy định xử phạt nặng vi phạm nồng độ cồn đã nhận được sự quan tâm, đồng tình từ người dân. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có rất nhiều điều khoản quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có số liệu xử phạt cụ thể. Ông nghĩ sao về điều này?

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (Khoản 6, Điều 5).

 

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tình hình trật tự ATGT được đảm bảo, TNGT được kéo giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, toàn quốc xảy ra 129 vụ TNGT, làm tử vong 67 người, bị thương 90 người. So với 5 ngày cùng kỳ năm 2022, giảm 9 vụ, giảm 5 người tử vong, giảm 16 người bị thương.

 


Ngoài ra, cũng nghiêm cấm các hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi hay cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… không được phép uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập.

Tuy nhiên, tới lúc này, chưa có số liệu nào thể hiện việc xử phạt như quy định. Các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin liên tục việc xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT nhưng chưa đơn vị nào tìm hiểu kỹ hiện nay việc thực thi quy định tại Luật Phòng chống tác hại rượu bia được thực hiện ra sao, xử phạt đến đâu.

Kéo giảm TNGT nói chung và kéo giảm TNGT liên quan đến nồng độ cồn nói riêng cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công thương…

Chúng ta đã nói rất nhiều về việc quyết liệt kiểm tra, xử phạt, vậy ở khía cạnh tuyên truyền giáo dục có cần thay đổi cách thức ra sao để hiệu quả hơn, thưa ông?

Hiện nay, có nhiều thông tin về việc ra quân xử phạt của lực lượng CSGT toàn quốc, tuy nhiên việc tuyên truyền trong nội bộ các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp cũng nên được chú trọng.

Theo tôi, phòng chống tác hại rượu bia cần đi sâu vào từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí là từng dòng họ, gia đình. Từ đó, xây dựng thói quen, văn hoá giao thông: Đã uống rượu bia, không lái xe.

Mỗi doanh nghiệp, cơ quan tổ chức nên có kế hoạch an toàn giao thông riêng, có thể gắn liền với nội quy đơn vị để người lao động chấp hành. Tuyên truyền phải gắn với hành động cụ thể, từ đó, mỗi cá nhân phải trở thành một người tham gia giao thông gương mẫu.

Cảm ơn ông!

 

Trao đổi với Báo Giao thông, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó phòng Hướng dẫn tuyên truyền pháp luật và điều tra TNGT, Cục CSGT cho biết, dịp nghỉ lễ năm nay và cao điểm du lịch hè 2023, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã tổ chức đánh giá các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn, ùn tắc để có phương án bố trí, huy động tối đa lực lượng, phương tiện và thiết bị nghiệp vụ đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Đặc biệt, quyết tâm kiểm soát nồng độ cồn và không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong dịp nghỉ lễ. Tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT, trọng tâm là xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn tại các đô thị, các điểm du lịch…

Trong dịp nghỉ lễ năm nay, lực lượng CSGT đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó thí điểm sử dụng bay Flycam trên các tuyến giao thông tại Hà Nội…

Gần 16.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong 5 ngày nghỉ lễ cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của lực lượng CSGT toàn quốc. Tuy nhiên, từ con số này cũng cho thấy, vi phạm nồng độ cồn vẫn phổ biến.

Để giữ an toàn cho bản thân mình và những người tham gia giao thông khác, đề nghị người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, khi đã sử dụng rượu bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện để tránh xảy ra những vụ TNGT đáng tiếc.

Theo baogiaothong.vn



Tin tức liên quan
Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quang Tấn
Phó chánh văn phòng phụ trách văn phòng Ban ATGT tỉnh BR-VT.
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không được Ban an toàn giao BR-VT thông chập nhận bằng văn bản
Địa chỉ: Tầng 4, Sở giao thông vận tải, số 198, đường Bạch Đằng, Phường Phước Trung, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Điện thoại: 02543 727 841
Email: banatgtbrvt@gmail.com
Thiết kế & phát triển bởi Ban ATGT tỉnh BR-VT Bản quyền thuộc về:
banatgt.baria-vungtau.gov.vn