Bộ GT-VT kiến nghị giao Tổng Công ty Đường sắt quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2030.
Đoàn tàu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại một nhà ga. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Bộ GT-VT vừa có Tờ trình số 10865/TTr-BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Theo Bộ GT-VT, Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý (Đề án) nhằm tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng này.
Nội dung quan trọng tại Đề án là việc giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Theo đó, Bộ GT-VT kiến nghị giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2030.
Sau khi Đề án được phê duyệt, giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; nghiên cứu xác định những tài sản phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao tài sản theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đối với cơ chế thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, Bộ GT-VT kiến nghị giao Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.
Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam việc quản lý sửa chữa định kỳ công trình, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, kiểm định, quan trắc và các công tác khác đối với một số nhiệm vụ của chủ đầu tư. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên theo quy định của pháp luật về xây dựng công trình.
Bộ GT-VT cho biết trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ GT-VT đã cân nhắc 3 phương án. Trong đó, phương án 1 là việc Chính phủ thống nhất giao Bộ GT-VT (Cục Đường sắt Việt Nam) đặt hàng với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Với các việc sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, kiểm định, quan trắc và các công tác khác, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là tư vấn quản lý dự án công tác sửa chữa định kỳ; tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
Phương án 2 là phương án đề xuất tại Tờ trình số 10865/TTr-BGTVT. Trong phương án 3, Bộ GT-VT giao dự toán để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Danh Huy cho biết phương án 1 và phương án 2 về cơ bản có cách thức triển khai gần tương tự nhau, chỉ khác phương án chỉ định Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là tư vấn quản lý dự án (phương án 1) thay bằng đặt hàng công tác quản lý sửa chữa định kỳ công trình đường sắt thực hiện một số nhiệm vụ của chủ đầu tư (phương án 2).
Cả hai phương án này đều có những ưu, nhược điểm nhất định và cũng không thể đáp ứng tất cả các quy định pháp luật về đường sắt, quản lý đầu tư và quản lý tài sản công.
Đối với phương án 3, Bộ GT-VT cho biết, cần sửa một số quy định của pháp luật, cũng như đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và tính khả thi không cao trong việc sửa đổi quy định pháp luật theo hướng trên. Do đó, sẽ dẫn đến chậm phê duyệt Đề án, cũng như chưa thể áp dụng thực hiện đối với công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho năm 2024 và các năm về sau.
“Để đảm bảo tiến độ của Đề án sớm được phê duyệt, việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật ít nhất, theo quy định của pháp luật, Bộ GT-VT kiến nghị lựa chọn phương án 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6089/VPCP ngày 15/9/2022 và ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam,” lãnh đạo Bộ GT-VT thông tin.
Sau khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển về Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp quản lý năm 2018, việc xác định đơn vị được giao vốn bảo trì đường sắt (khoảng 2.500- 3.000 tỷ đồng) liên tục bị đình trệ sau khi Bộ Tài chính cho rằng, giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như các năm 2019 là không phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 49, Luật Ngân sách nhà nước và khoản 1, Điều 31, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước, về phân cấp quản lý ngân sách và mối quan hệ giữa ngân sách các cấp. Lý do được đưa ra là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không phải đối tượng ngân sách trực thuộc Bộ GT-VT.
Do các vướng mắc trên, việc giao dự toán và ký kết các hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt các năm 2020, 2021 thường chỉ có thể được thực hiện vào quý 2, sau khi Chính phủ ra Nghị quyết gỡ khó tạm thời, gây khó khăn cho tất cả bên liên quan, thay vì triển khai ngay từ đầu năm.