Bạn đọc Nguyễn Văn Huy (ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội) hỏi: "Cuối tuần vừa qua, nhà tôi có tổ chức liên hoan, sau khi cả gia đình ăn uống xong xuôi thì bác trai tôi muốn đi về nhà. Do bác đã uống rượu, nên cả nhà đã khuyên bác là không nên đi xe, dạo này CSGT phạt rất căng".
"Tuy nhiên, bác tôi cho rằng uống rượu đi xe đạp thì chẳng ai xử phạt cả. Vậy xin hỏi uống rượu, bia rồi đi xe đạp thì có bị CSGT xử lý không, nếu bị xử lý thì mức phạt là bao nhiêu?", bạn Huy hỏi.
Người đi xe đạp mà sử dụng rượu, bia thì sẽ bị xử phạt theo quy định
Trả lời nội dung này, luật sư Trần Minh Quân, Giám đốc Công ty Luật Trần Nguyên cho biết, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định, hành vi sử dụng phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử lý bao gồm các đối tượng sau:
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng; Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác.
"Như vậy, nếu bác của bạn đã uống rượu bia mà đi xe đạp, thì khi bị CSGT dừng xe kiểm tra, có nồng độ cồn trong hơi thở sẽ bị xử phạt", luật sư Quân nói.
Luật sư Trần Minh Quân, Giám đốc Công ty Luật Trần Nguyên
Luật sư Trần Minh Quân cho biết, Điểm q Khoản 1, Điểm e Khoản 3, Điểm c Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Phạt tiền từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng nếu trong máu hoặc hơi thở của tài xế có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng đối với tài xế mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài bị phạt tiền, tài xế vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện.
"Mọi trường hợp người điều khiển xe trên đường mà vi phạm nồng độ cồn đều bị xử phạt nghiêm. Nếu người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi chống đối thì bị phạt tiền ở mức kịch khung, đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng…", luật sư Quân thông tin thêm.
Theo baogiaothong.vn