Có mặt tại hiện trường, PV Báo Giao ghi nhận, đây là tuyến đường mới, được thảm nhựa phẳng phiu, nhưng xe không thể lưu thông. Chính vì vậy, người dân tận dụng để phơi củi.
Tuyến đường hơn 7 tỷ đồng ở Đồng Tháp được dùng để phơi củi.
Ông Võ Văn Nhiều (ngụ ấp Bình Nhứt, xã Nhị Mỹ) bày tỏ sự tiếc nuối và cho biết, trước đây, tuyến đường ven sông Cần Lố, đoạn qua trước nhà ông bị sạt lở nên việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Điểm sạt lở có nơi ăn sâu vào bờ, mặt đường chỉ còn rộng hơn 1m.
Vì vậy, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng con đường mới phía sau nhà, chạy song song với con đường bị sạt lở ven sông Cần Lố, ông cũng như nhiều người dân địa phương rất đồng tình, hiến đất, vật kiến trúc… để làm đường. Riêng ông hiến hơn 700m2 đất.
Sau khoảng hai năm thi công, đến cuối năm 2023, đường cơ bản hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa thể thông xe.
"Đường cũ bị sạt lở, di chuyển bằng xe gắn máy cũng rất khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế. Trong khi đường mới đã làm, tốn tiền Nhà nước, tốn đất của dân mà không thông suốt, không phát huy hết tác dụng, rất lãng phí", ông Nhiều than thở.
Người dân tự nguyện hiến đất làm đường, nhưng sau khi hoàn thành, tuyến đường chưa thể khai thác.
Để có con đường mới an toàn, ông Đặng Văn Đừng (ngụ xã Nhị Mỹ) cũng đã hiến gần 400m2 đất để làm đường tránh sạt lở sông Cần Lố.
"Tôi mong muốn, chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm giải quyết, tạo mọi điều kiện để thi công đoạn còn lại, giúp việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương", ông Đừng kiến nghị.
Theo tìm hiểu của PV, đường tránh sạt lở sông Cần Lố (đoạn cầu Cần Lố 2 - đường tắt Xẻo Da) dài gần 1.200m, mặt đường lán nhựa rộng 5,5m, đã lắp đặt hệ thống an toàn giao thông đường bộ như cọc tiêu, biển báo…
Tuy nhiên, giờ đây con đường mới này trở thành nơi phơi củi, tập thể dục và nơi tập đi xe gắn máy… của người dân địa phương.
Đoạn đường cơ bản hoàn thành các hạng mục từ nhiều tháng qua nhưng chưa thể thông xe do vướng mặt bằng, tắc nghẽn ở hai đầu đường.
Phía đầu giáp đường tắt Xẻo Da còn vướng mặt bằng một hộ dân, phía đầu đường còn lại giáp đường cụm dân cư Nhị Mỹ còn vướng mặt bằng hai hộ dân.
Cần sớm gỡ khó vướng mặt bằng để tuyến đường tránh sạt lở sông Cần Lố (đoạn cầu Cần Lố 2 - đường tắt Xẻo Da) sớm đưa vào sử dụng.
Là một trong số ba hộ dân chưa di dời nhà, bàn giao mặt bằng, bà Lê Thị Phượng (ngụ ấp Bình Nhứt, xã Nhị Mỹ) cho hay, bà rất ủng hộ việc Nhà nước làm đường, thống nhất mức bồi thường, hỗ trợ tổng cộng hơn 300 triệu đồng.
"Nhưng tôi chưa được bố trí nền nhà tái định cư. Tôi mong nơi ở mới gần đường rộng rãi thuận tiện cho việc kinh doanh. Nếu được hỗ trợ nền nhà ở vị trí phù hợp thì gia đình sẵn sàng dời đi", bà Phương nói.
Lãnh đạo UBND xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, đường tránh này còn vướng giải phóng mặt bằng ở hai đầu đường đối với ba hộ dân.
Qua tuyên truyền, vận động các hộ dân đã thống nhất với chủ trương làm đường giao thông, mức hỗ trợ di dời đến nơi ở khác. Đồng thời, những hộ dân này mong muốn được bố trí nơi ở mới tại cụm dân cư Nhị Mỹ để gần nơi ở cũ.
Ông Trần Văn Hưng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất (QLDA&PTQĐ) huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, tuyến đường tránh sạt lở được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Trong số ba hộ dân chưa đồng thuận di dời thì có hai hộ dân được bố trí nền tái định cư nhưng người dân chưa đồng thuận do không thuận tiện trong việc sinh hoạt, mua bán. Hộ còn lại thì địa phương chưa có nền bố trí tái định cư theo quy định.
"Huyện cũng đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện việc bố trí tái định cư cho ba hộ dân này. Sau khi những hộ dân này đồng ý di dời đến nơi ở mới, Ban QLDA&PTQĐ huyện sẽ thực hiện phần còn lại của tuyến đường trong khoảng 20 ngày là sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng", ông Hưng cho biết thêm.
Nguồn: baogiaothong.vn