Opt alp thumbnail
Hoạt động của Ban ATGT BR-VT
Truyền thông về TNGT: Tôn trọng sự thật thì giá trị cảnh báo mới cao
Ngày đăng: 10/05/2024;

Ngày 9/5, Ban ATGT TP.HCM phối hợp với tổ chức Vital Strategies tổ chức hội nghị công bố báo cáo phân tích dữ liệu về ATGT tại TP.HCM và kỹ thuật phân tích số liệu thành các giải pháp ATGT, hỗ trợ truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng.

TNGT nhiều hơn vào thứ 7, Chủ nhật và ở giới trẻ

Tại hội nghị, ông Bùi Nhật Minh, giảng viên Trường đại học GTVT phân hiệu TP.HCM đã đưa ra báo cáo kết quả nghiên cứu, phân tích dữ liệu ATGT từ năm 2020-2022.

Truyền thông về TNGT: Tôn trọng sự thật thì giá trị cảnh báo mới cao- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo cho thấy, số vụ tai nạn giao thông tại TP.HCM giảm dần từ năm 2016 - 2021, nhưng lại tăng vọt vào năm 2022.

Các số liệu cho thấy người đi xe máy dẫn đầu số vụ tai nạn dẫn tới tử vong (nhiều nhất từ năm 2020 - 2022, chiếm 86% tổng số ca tử vong), chủ yếu do va chạm với xe máy khác hoặc tự gây tai nạn. Số người chết do va chạm với xe ô tô chiếm tỉ lệ nhỏ hơn.

Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy, các vụ tai nạn gây tử vong thường cao hơn vào buổi chiều tối các ngày thứ 7 và Chủ nhật, khung giờ từ 22h trở đi.

Về danh sách điểm đen tai nạn giao thông (TNGT), TP.HCM có các điểm như: nút giao thông An Sương, quốc lộ 50, cầu vượt Tân Thới Hiệp, nút giao đường Phạm Văn Đồng... Trong đó các tuyến có tỷ lệ tử vong cao nhất gồm: quốc lộ 1, quốc lộ 50, đường Vườn Lài...

Về giải pháp, nhóm nghiên cứu nhận định, TP.HCM cần gấp rút triển khai các việc như ưu tiên xử lý điểm đen và đường nguy hiểm, tiêu biểu như điểm đen nguy hiểm nhất TP.HCM là giao lộ An Sương (nút giao quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường Trường Chinh, quận 12) và tuyến đường nguy hiểm nhất là Vườn Lài.

Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho người đi bộ, phát triển giao thông công cộng; giảm tốc độ ưu tiên an toàn cho người đi xe máy, có biện pháp can thiệp để giảm trường hợp tự gây tai nạn...

Ngoài ra, báo cáo còn đề xuất chính quyền phải thực thi nghiêm, xử lý các trường hợp vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không đội nón bảo hiểm...

Phải tôn trọng sự thật

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM chia sẻ, qua nghiên cứu cho thấy, ATGT xuất phát từ ý thức của mỗi người và những nhóm lỗi nhất định. Từng nhóm lỗi, nguyên nhân chính sẽ có giải pháp thực tế tương ứng nhằm giảm tối đa thiệt hại với người dân. 

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cũng cần biện pháp, thời gian triển khai và phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chấp hành, ý thức của của người tham gia giao thông.

Truyền thông về TNGT: Tôn trọng sự thật thì giá trị cảnh báo mới cao- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT TP.HCM chia sẻ tại hội nghị.

Đối với truyền thông khi viết về các vụ TNGT, đặc biệt là các vụ có xảy ra trường hợp tử vong, ông Lợi cho rằng: Vấn đề cần thiết là phải chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến tai nạn; lỗi chính, lỗi phụ trong vụ tai nạn.

Tại cuộc trao đổi với các diễn giả tại hội nghị, ở góc độ truyền thông, Báo Giao thông đặt câu hỏi: Đưa câu chuyện về TNGT là cần thiết để chia sẻ với nỗi đau của người bị nạn; để cảnh báo và nâng cao nhận thức của cộng đồng về TNGT. Tuy nhiên, trong trường hợp nạn nhân TNGT nếu là người có lỗi, thì truyền thông như thế nào để vừa đạt được các mục tiêu trên, vừa bảo đảm đạo đức báo chí, nhất là với người Á Đông luôn quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận"? Thông lệ truyền thông các nước xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Lợi bày tỏ đồng tình với cách đặt vấn đề này và cho rằng, báo chí rất nhân văn khi chia sẻ câu chuyện ở góc độ tạo được sự đồng cảm với nạn nhân và sự mất mát của gia đình. Qua đó đã vận động, hỗ trợ, chia sẻ với nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp người thân vượt qua nghịch cảnh như chuyên mục "Chung tay vì ATGT" trên Báo Giao thông. Tuy nhiên ông bày tỏ quan điểm: Phải tôn trọng sự thật.

Theo đó, ông cho rằng: Khi đưa tin về một vụ tai nạn hoặc kể cả thảm họa giao thông, nếu đã có kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền, xác định rõ lỗi thuộc về ai thì cần đưa tin công khai, không tránh né.

"Một mặt là chúng ta chia sẻ với những mất mát, một mặt là chúng ta cũng cảnh báo đối với người khác về việc nếu như không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, kể cả về mặt pháp luật lẫn về các quy tắc đã được hướng dẫn, thì sẽ còn dẫn đến những thảm họa khác", ông Lợi nói. 

"Trung thực với sự kiện và nhìn thẳng vào sự thật thì mới truyền thông hiệu quả về nâng cao nhận thức của người dân về TNGT", ông Lợi nói thêm.

Các Báo Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP.HCM nêu ý kiến: Còn khó khăn trong tiếp cận cơ quan chức năng khi có các vụ TNGT, do đó đã "nhường sân" cho mạng xã hội.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT Công an TP.HCM (PC08) cho rằng, quan điểm của CSGT cũng như công an TP.HCM là luôn cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề pháp lý, giám định thì không thể tức thời đưa ra kết luận.

Thượng tá Bình cho biết, những năm qua, CSGT TP.HCM và chính quyền, đơn vị quản lý hạ tầng giao thông luôn phối hợp, có nhiều nỗ lực trong việc xóa điểm đen TNGT, bao gồm các giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, để giảm thiểu TNGT, người tham gia giao thông cần chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh giao thông và trên hết là Luật Giao thông đường bộ.

"Đó là cách quan trọng, hữu hiệu nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và những người xung quanh", thượng tá Bình nói.

Nguồn: baogiaothong.vn



Hoạt động liên quan của Ban ATGT BR-VT
Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quang Tấn
Phó chánh văn phòng phụ trách văn phòng Ban ATGT tỉnh BR-VT.
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không được Ban an toàn giao BR-VT thông chập nhận bằng văn bản
Địa chỉ: Tầng 4, Sở giao thông vận tải, số 198, đường Bạch Đằng, Phường Phước Trung, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Điện thoại: 02543 727 841
Email: banatgtbrvt@gmail.com
Thiết kế & phát triển bởi Ban ATGT tỉnh BR-VT Bản quyền thuộc về:
banatgt.baria-vungtau.gov.vn