Ngày cuối tháng 4, đứng trên triền sông Ba Chẽ nhìn nhà thầu đang thi công bờ kè và cây cầu bắc qua sông, bà Nguyễn Thị Kép ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ phấn khởi cho biết, thế là các hộ dân nơi đây sắp thoát cảnh lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về.
Theo bà Kép, thị trấn Ba Chẽ nằm trong thung lũng khá sâu, cạnh dòng sông Ba Chẽ. Khoảng chục năm nay, mỗi mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về khiến dòng sông Ba Chẽ thường dâng cao, gây ngập lụt phía hạ lưu.
Cây cầu bắc qua sông Ba Chẽ đang được hoàn thiện.
"Trận lũ lịch sử vào mùa mưa năm 2008, nước sông dâng cao, cả nhà tôi phải dỡ ngói, kéo nhau lên mái nhà, cốt giữ lấy tính mạng còn tài sản, gia súc gia cầm trôi theo dòng nước hết", bà Kép kể.
Trận lũ lịch sử năm 2008 đã làm nhiều công trình kè dọc triền sông Ba Chẽ bị sạt lở nghiêm trọng, mất công năng. Sau đó, trận lũ lớn năm 2018 đã cuốn phăng tất cả hệ thống bờ kè, làm sạt lở thêm hàng chục mét.
Nhiều hộ dân ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ bị nhấn chìm trong trận lũ lịch sử hồi tháng 7/2008.
Không còn hệ thống bờ kè bảo vệ, hơn 40 hộ dân sống tiếp giáp bờ sông Ba Chẽ luôn sống lo lắng mỗi khi có mưa, lũ về.
Ông Lê Văn Chí, nhà ở tiếp giáp bờ sông Ba Chẽ cho biết, năm 1989, nhà ông xây thì bờ sông cách tường nhà hơn chục mét. Sau trận lụt năm 2008 đã cuốn trôi nhiều công trình kè phía ngoài, rồi sau mỗi trận mưa lớn, nước sông dâng cao lại khoét vào bờ thêm một ít. Đến nay, nhà ông Chí chỉ còn cách bờ sông một rặng tre nhỏ.
Bờ sông Ba Chẽ bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp nhiều căn nhà, khiến người dân thường xuyên phải gia cố cọc tre để "cầm cự" tạm thời.
Tuy không sống ở bờ sông Ba Chẽ, nhưng hộ bà Nguyễn Thị My ở cạnh con suối Nà Pốc chảy từ thượng nguồn ở xã Đồn Đạc khu 1 rồi đổ ra sông Ba Chẽ, cũng là khu vực thường xuyên bị ngập lụt.
Bà My cho biết, do lòng suối hẹp, cây cối lại mọc um tùm, nên khi nước ở thượng nguồn suối Nà Pốc dồn về, gặp đúng lúc nước sông Ba Chẽ dâng cao, thế là sinh ra ngập lụt kéo dài cho khu phố, gây thiệt hại về tài sản, tạo nguy hiểm cận kề.
Bà My chỉ ngấn nước do trận lụt hồi tháng 7/2008 còn in mờ trên tường các hộ dân trong khu phố 1.
"Vào mùa mưa, lũ, hộ thì lo sập nhà xuống sông, người thì lo nước suối Nà Pốc dâng lên đến nóc nhà. Các tuyến giao thông qua khu vực thì ngập lụt, chia cắt hoàn toàn. Nước dâng cao, chính quyền có muốn vào giúp dân thì cũng khó tiếp cận", bà My kể.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Chung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) huyện Ba Chẽ cho biết: Mối đe dọa từ dòng sông Ba Chẽ đối với thị trấn đã có từ nhiều năm trước, nhất là từ sau trận lụt lịch sử năm 2008. Đây là nỗi lo của chính quyền từ tỉnh đến huyện.
Nhà thầu đang hoàn thành hạng mục cầu và đường dẫn để chuẩn bị thảm nhựa.
Qua khảo sát, tính toán, nếu muốn giải quyết cơ bản tình trạng ngập lụt, sạt lở ở thị trấn cần có hàng trăm tỷ đồng. Nhưng do ngân sách địa phương còn hạn chế lại phải triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội khác, nên chưa thể bố trí ngay được.
Cuối tháng 9/2022, sau thời gian dài kiến nghị cấp có thẩm quyền và chuẩn bị nguồn lực, UBND huyện Ba Chẽ đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư cầu nối tỉnh lộ 330 với trung tâm huyện Ba Chẽ kết hợp với kè chống sạt lở tuyến đường trục chính thị trấn Ba Chẽ.
Dự án gồm một cây cầu dài 182,3m, khổ cầu rộng 16,5m bắc qua sông Ba Chẽ; đường dẫn cầu dài 428,07m với hai làn xe, vận tốc thiết kế 40km/h, tải trọng phương tiện lưu thông 10 tấn.
Cùng với cầu qua sông, UBND huyện Ba Chẽ cũng quyết định đầu tư 5 đoạn kè chống sạt lở dọc tuyến đường trục chính và bờ sông Ba Chẽ với tổng chiều dài gần 1.810m và hệ thống rãnh thoát nước, vỉa hè...
Tổng vốn đầu tư của dự án gần 249 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương, do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2022-2024.
"Do đánh giá được tính cấp bách của công trình không chỉ nhằm khắc phục tình trạng ngập, lụt, sạt lở bờ sông vào mùa mưa bão mà còn tạo liên kết giao thông để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn của địa phương, nên cơ quan chức năng của huyện đã nhanh chóng phối hợp hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công chỉ trong thời gian ngắn khi có quyết định đầu tư", ông Hiếu thông tin thêm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Hồng Cảnh, đại diện nhà thầu thi công dự án cho biết: Đến thời điểm hiện tại, cầu, đường dẫn đã cơ bản hoàn thành, đang chuẩn bị thảm nhựa, và sẽ về đích trước tiến độ vài tháng, đảm bảo chất lượng; hệ thống bờ kè cũng đã hoàn thành những hạng mục cơ bản nhất.
Hệ thống kè trong dự án đã cơ bản hoàn thành.
"Hiện đơn vị đang huy động tối đa thiết bị, nhân lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại. Với thời tiết thuận lợi như hiện tại, dự án sẽ có thể cơ bản hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay", ông Cảnh nói.
Nguồn: baogiaothong.vn