Công an TP. Vũng Tàu đang tăng cường các chuyên đề kiểm tra, xử phạt học sinh chưa đủ tuổi, chưa có GPLX nhưng vẫn điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối. Dù lực lượng chức năng tăng cường cả công tác tuyên truyền và xử phạt, nhưng tình trạng học sinh vi phạm vẫn xảy ra khi lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra.
Lực lượng chức năng lập biên bản và gửi thông báo về nhà trường đối với học sinh vi phạm. |
Hàng trăm trường hợp vi phạm
Sáng ngày 29/3, tổ tuần tra của lực lượng chức năng Công an TP. Vũng Tàu tiếp tục ra quân xử lý học sinh chưa đủ tuổi, chưa có GPLX nhưng vẫn điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối đến trường và phát hiện các trường hợp vi phạm. Trước đó, ngày 22/3/2024, lực lượng chức năng Công an TP. Vũng Tàu bất ngờ ra quân trên các tuyến đường quanh Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trường THPT Song Ngữ thuộc địa bàn phường 1, phường 3, TP. Vũng Tàu cũng đã phát hiện nhiều trường hợp học sinh vi phạm, đưa về lập biên bản.
Tất cả học sinh khi được hỏi đều thừa nhận nhà trường đã tuyên truyền về quy định này rất nhiều lần, nhưng do hoàn cảnh nên buộc phải vi phạm quy định. Có em nói nhà chỉ có mỗi xe để đi, nhà xa, gia đình bận hết không ai đưa đi học. Thậm chí có em đã đủ tuổi nhưng lại không có GPLX. Nam sinh Văn T. K. (sinh năm 2006), học TTGDTX, chưa có GPLX, không đội nón bảo hiểm, khi lực lượng chức năng dừng xe thì biện minh rằng đây là lần vi phạm đầu tiên của mình. “Dạ con chưa có GPLX, con mới đi có hôm nay à. Con nghĩ đi một hôm chắc không sao”, K. nói.
Trung tá Vũ Minh Đức, đội CSGT-TT, Công an TP.Vũng Tàu cho biết: Khi bị bắt xe, các cháu học sinh nêu nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chính cũng do phụ huynh chưa chấp hành tốt những quy định của trường là không được cho học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Các trường hợp vi phạm đều được xử lý theo chuyên đề và gửi thông báo về trường. Sau đó, nhà trường sẽ phản hồi lại về hình thức xử lý học sinh đối với những trường hợp vi phạm.
Bắt đầu ra quân từ ngày 20/9/2023 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt hàng trăm trường hợp học sinh vi phạm. Tuy nhiên, con số thực tế chắc chắn còn nhiều hơn. Trước mắt, để có thể chấn chỉnh vi phạm này, lực lượng chức năng sẽ tăng cường hơn các chuyên đề kiểm tra, xử phạt tại khu vực cổng trường.
Xử nghiêm hành vi giao xe máy cho học sinh tham gia giao thông
Phạt học sinh chưa đủ tuổi, chưa có GPLX điều khiển xe mô tô phân khối lớn đến trường không thể chỉ trông chờ vào những chuyên đề cao điểm của lực lượng chức năng. Bởi, công tác đảm bảo TTATGT cho học sinh là sự phối hợp của cả cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình.
Năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, trong đó nhấn mạnh nội dung: học sinh chưa đủ tuổi, chưa có GPLX không được điều khiển xe phân khối lớn đến trường.
Ông Lê Văn Mỹ, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho biết: “Ở góc độ của ngành giáo dục, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo nhà trường tuyên truyền đến học sinh nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, trong đó thực hiện nghiêm nội dung: Học sinh chưa đủ tuổi, chưa có GPLX không được điều khiển xe phân khối lớn đến trường. Khi phát hiện những học sinh vi phạm, đặc biệt là khi CSGT gửi thông báo về trường thì bắt buộc nhà trường phải nghiên cứu những quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá hạnh kiểm học sinh để thực hiện các biện pháp cuối cùng nếu học sinh cố tình vi phạm”.
Luật sư Lê Thị Lan Phương, Công ty luật Hưng Bình P&S chia sẻ: Theo quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô. Vì vậy, hành vi giao hay để trẻ chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, lực lượng công an các địa phương quyết liệt xử lý những người giao xe cho học sinh, thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe tham gia giao thông, truy rõ và xử lý tận gốc nguyên nhân TNGT liên quan lứa tuổi học sinh, có ý nghĩa trong việc bảo đảm ổn định trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn. “Đồng thời, như một lời nhắc nhở, răn đe đối với tất cả người lớn trong xã hội, cần điều chỉnh hành vi của mình, yêu thương con cháu đúng cách, đúng quy định pháp luật. Bên cạnh truy tố người giao xe khi TNGT xảy ra, cần xử lý nghiêm hành vi giao xe cho học sinh không đủ điều kiện lái xe, ngay cả khi chưa xảy ra hậu quả”, Luật sư Lê Thị Lan Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nên nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường. Yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông.
Đặc biệt, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh. Nội dung tuyên truyền ATGT dành cho học sinh phải sát với thực tế, lấy dẫn chứng những câu chuyện, hình ảnh thương tâm do TNGT gây ra, từ đó giúp nhận thức sâu sắc hậu quả của TNGT.
Theo baobariavungtau.com.vn