Theo đó, khoảng 9h sáng 10/12, một thanh niên điều khiển xe máy chạy từ hướng TP.HCM về miền Tây đã lạc vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Khi đến đoạn thuộc địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An, lực lượng đội tuần tra cao tốc TP.HCM - Trung Lương phát hiện nên yêu cầu thanh niên dừng lại.
Ngay sau đó, thanh niên và phương tiện được đội tuần tra đưa lên xe bán tải, chở đến đoạn đường dẫn cao tốc thuộc địa bàn xã Thân Cửu Nghĩa, huyện châu Thành, Tiền Giang.
Lực lượng chức năng cũng nhắc nhở nam thanh niên không được phép chạy xe máy vào đường cao tốc, khi lưu thông phải chú ý quan sát kỹ các biển báo cấm, biển hướng dẫn để đảm bảo ATGT.
Theo trình bày của người này, do xem bản đồ chỉ dẫn đường đi trên điện thoại di động nên đi lạc vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương, anh đi từ huyện Bến Lức xuống.
Nam thanh niên và xe máy được lực lượng tuần tra cao tốc hỗ trợ ra ngoài an toàn.
Qua tìm hiểu, đa phần xe máy đi lạc vào đường cao tốc do xem bản đồ trên điện thoại di động. Khi xem ứng dụng bản đồ này, người xem để chế độ chỉ dẫn cho ô tô nên đi xe máy bị chỉ dẫn nhầm vào đường cao tốc. Từ đó, dẫn đến nguy cơ mất ATGT.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài hơn 40km gồm 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120km/h, kinh phí xây dựng hơn 9.880 tỷ đồng. Tuyến cao tốc đầu tiên dành cho ô tô được thông xe ngày 3/2/2010 giúp rút ngắn thời gian từ TP.HCM đến Tiền Giang chỉ còn 30 phút, thay vì 90 phút trước đó.
Ngày 1/1/2019, cao tốc này chính thức ngừng thu phí, ở các lối vào các trạm thu phí không có người canh gác nên nhiều xe máy hay đi lạc vào.
Theo baogiaothong.vn