Vào giờ tan trường, tại trục đường xã Quảng Phong, huyện Hải Hà mới đây, không khó để bắt gặp hàng loạt học sinh đi xe máy chở nhau, cả người điều khiển và người ngồi sau đều không đội mũ bảo hiểm (MBH).
Một tốp học sinh sau khi tan trường chở nhau bằng xe máy, không đội mũ bảo hiểm lao vun vút trên quốc lộ 18 (Quảng Ninh).
Trên tuyến quốc lộ 18 qua TP Hạ Long hay trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cũng dễ dàng thấy từng tốp học sinh khi tan học "đầu trần" chở nhau bằng xe máy, thậm chí còn chạy với tốc độ cao, lạng lách, vượt đèn đỏ...
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong cho biết, thời qua, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã phối hợp với trường học, Đoàn Thanh niên xã tổ chức 5 đợt tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh, phụ huynh
Hai nữ học sinh không đội MBH khi đi xe máy trên đường đến trường ở xã Quảng Phong, huyện Hải Hà.
"Công an xã vẫn tổ chức tuần tra và tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý học sinh vi phạm. Tới đây, xã sẽ chỉ đạo Hội Cựu Chiến binh xã phối hợp với Công an xã thành lập mô hình công trường ATGT để tuyên truyền, nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy", ông Hưởng cho hay.
Hai nam học sinh THCS ở Quảng Phong "đầu trần" phóng xe máy vun vút trên đường xã.
Một chỉ huy Đội CSGT - trật tự, Công an huyện Hải Hà cho biết: Ngoài tuyên truyền, đơn vị còn thường xuyên xử lý vi phạm giao thông đối với học sinh, thanh, thiếu niên.
Tuy nhiên, trên địa bàn, một số phụ huynh học sinh vẫn cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy. Trong số đó, có một số học sinh chưa nghiêm túc chấp hành quy định về đảm bảo an toàn giao thông.
"Tới đây, đội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý những vi phạm liên quan đến lứa tuổi này", vị này cho hay.
Nhiều học sinh ở TP Cẩm Phả sau khi tan học "đầu trần" đi xe máy về nhà.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thiên Vương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, thừa nhận, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm về mũ bảo hiểm nói riêng, các quy định khác khi tham gia giao thông vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, cổng trường học.
"Để xảy ra tình trạng học sinh vi phạm giao thông, trách nhiệm chính thuộc về địa phương, nhà trường và phụ huynh học sinh. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, xử nghiêm các vi phạm để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn giao thông đối với lứa tuổi này", ông Vương đề xuất.
Một tốp học sinh không đội MBH có biểu hiện phóng nhanh, lạng lách trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT chuyên trách ở địa phương đã xử lý 3.295 trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm giao thông, phạt vi phạm hành chính 2,4 tỷ đồng, phạt cảnh cáo 900 trường hợp, tước 25 giấy phép lái xe, tạm giữ 2.309 phương tiện…
Theo baogiaothong.vn