Tài xế Nguyễn Anh Khoa (quê Vĩnh Long) cho biết, anh thường xuyên chở khách từ miền Tây đi du lịch các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên.
Chạy trên hai đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận dài trên 110km nhưng chỉ có một trạm dừng nghỉ tại khu vực xã Nhị Thành, huyện Thừa, Long An, anh cho biết giới tài xế rất mệt mỏi.
Tuyến này có lưu lượng xe bình quân 20.000 lượt/ngày.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngày đêm có trên 20.000 xe lưu thông.
Do đó, anh mong sớm có trạm dừng nghỉ để tài xế, hành khách nghỉ ngơi, ăn uống, đi vệ sinh… sau một quãng đường dài mệt mỏi, nhất là người già, trẻ em.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án do Công ty TNHH TM DV xăng dầu Châu Thành làm chủ đầu tư.
UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, hiện còn đang vướng về nguồn vốn nên chưa thể triển khai bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng.
Bà Phạm Cẩm Thúy, đại diện chủ đầu tư Trạm dừng nghỉ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, doanh nghiệp đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành tỉnh Tiền Giang để hoàn tất hồ sơ. Phấn đấu trong năm 2024 sẽ triển khai thi công, sớm đưa trạm dừng nghỉ vào hoạt động.
Dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã san lấp mặt bằng.
Dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có diện tích 98.000m2, với tổng mức đầu tư trên 335 tỷ đồng. Trạm có quy mô một bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, cây xăng và nhiều dịch vụ khác…
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 dài hơn 51km, chạy qua địa phận tỉnh Tiền Giang, được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2022, không có làn khẩn cấp liên tục.
Tuyến có bề rộng nền đường 17m, gồm 4 làn xe và dải phân cách giữa, có bố trí 11 điểm dừng xe khẩn cấp ngắt quãng, có tổng mức đầu tư là 12.668 tỷ đồng.
Trong khi đó, tuyến TP.HCM - Trung Lương có làn khẩn cấp.
Theo baogiaothong.vn