Opt alp thumbnail
Hoạt động của Ban ATGT BR-VT
Đề xuất 152.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng hơn 1.100km cao tốc Bắc - Nam
Ngày đăng: 24/03/2025;

Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ưu tiên xem xét đầu tư mở rộng hơn 1.100km cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hà Nội đến TP.HCM với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 152.000 tỷ đồng.

Năm lý do cần sớm mở rộng

Bộ Xây dựng vừa gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 theo quy mô hoàn chỉnh.

Đánh giá sự cần thiết đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc, 5 lý do được Bộ Xây dựng đưa ra.

Đề xuất 152.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng hơn 1.100km cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 1.

Các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam sau khi được đầu tư mở rộng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải tăng phù hợp với tăng trưởng GDP của đất nước phấn trên 10% trở lên (Ảnh: Tạ Hải)

Một là, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đầu tư hoàn chỉnh các tuyến cao tốc phân kỳ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện và các thông báo chỉ đạo đầu tư hoàn thiện các tuyến đường đúng tiêu chuẩn đường cao tốc.

Hai là, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng phù hợp với tăng trưởng GDP của đất nước phấn trên 10% trở lên.

Tại thời điểm quyết định đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quy hoạch chủ yếu đang được nghiên cứu, lập theo Luật Quy hoạch, chưa được phê duyệt, nhất là các quy hoạch cấp cao (quy hoạch tổng thể quốc gia) hoặc quy hoạch ngành quốc gia khác (quy hoạch đô thị, quy hoạch năng lượng...), nên các số liệu, thông số đầu vào để tính toán, dự báo nhu cầu vận tải dựa trên các số liệu tăng trưởng kinh tế trước đây đã thay đổi.

Hiện, các tuyến cao tốc trục ngang kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã và đang được nghiên cứu đầu tư như Quy Nhơn - Pleiku, Quảng Ngãi - Kon Tum với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, góp phần tăng lưu lượng vận tải trên tuyến cao tốc.

Thực tế cũng cho thấy, vào các dịp lễ, Tết, một số đoạn tuyến như: Cao Bồ - Mai Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây đã xuất hiện hiện tượng ùn tắc cục bộ.

Ngoài ra, với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và chủ trương tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vận tải sẽ tiếp tục tăng nhiều so với dự kiến tính toán trước đây.

Thứ ba, việc đầu tư mở rộng nhằm nâng cao năng lực khai thác, tăng cường an toàn giao thông do quá trình khai thác một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư (4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m không có dải dừng xe khẩn cấp liên tục) đã phát sinh một số bất cập.

Bộ Công an qua kiểm tra đã nhận định "những tuyến không có làn dừng xe khẩn cấp khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông thì lực lượng chức năng khó tiếp cận điểm xảy ra vụ việc để xử lý ngay, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông liên hoàn và ùn tắc giao thông kéo dài" và yêu cầu xây dựng lộ trình cụ thể nâng cấp, cải tạo các tuyến cao tốc phân kỳ chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc.

Bốn là, phù hợp với quy chuẩn đường cao tốc. Ngày 15/11/2024, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc đã được ban hành. Trong đó, quy định đường bộ cao tốc phải có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục. Trong khi đó, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện đang là trục dọc quan trọng nhất đang bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.

Đề xuất 152.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng hơn 1.100km cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 2.

Việc đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm nâng cao năng lực khai thác, tăng cường an toàn giao thông (Ảnh: Tạ Hải).

Cuối cùng, việc đầu tư nâng cấp mở rộng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030 theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị thông qua đẩy mạnh đầu tư công, tạo điều kiện hỗ trợ, kích thích kinh tế phát triển.

Tham khảo số liệu tính toán, trường hợp giải ngân hằng năm khoảng 30.000 - 90.000 tỷ đồng/năm sẽ làm tốc độ GDP tăng 0,24 - 0,68 điểm phần trăm/năm.

Chưa xem xét mở rộng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau

Đề xuất về quy mô đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết, giai đoạn phân kỳ đầu tư trước đây, nền đường được xây dựng cơ bản lệch về một phía so với tim tuyến quy hoạch, đầu tư 2 mái nên khi đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch sẽ mở rộng nền đường về phía còn lại.

Phương án mở rộng lên 6 làn xe có nhiều ưu điểm hơn so với phương án mở rộng lên 4 làn xe hoàn chỉnh. Vì vậy, trường hợp đầu tư, Bộ Xây dựng kiến nghị mở rộng lên 6 làn xe theo quy mô quy hoạch.

"Về phạm vi, để thuận lợi cho công tác thi công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân, phù hợp với nhu cầu vận tải, trước mắt, xem xét trong phạm vi cao tốc Bắc - Nam phía Đông thuộc đoạn Hà Nội - TP.HCM, chiều dài đầu tư khoảng 1.144km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 152.135 tỷ đồng", Bộ Xây dựng thông tin.

Riêng các đoạn tuyến chưa được nghiên cứu mở rộng như: đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau (dài 149km), theo Bộ Xây dựng, đây là đoạn có nhu cầu vận tải chưa lớn; điều kiện thi công khó khăn, nhu cầu vật liệu hiện nay đang thiếu hụt sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ, tăng chi phí đầu tư.

Loạt cơ chế đặc thù đẩy tiến độ khởi công dự án trong năm 2025

Lưu ý tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang triển khai thi công, trường hợp bổ sung vốn để mở rộng theo quy mô 6 làn xe sẽ vượt tổng mức đầu tư, cần phải điều chỉnh chủ trương, thẩm quyền điều chỉnh của Quốc hội (dự án quan trọng quốc gia).

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng kiến nghị khi điều chỉnh chủ trương đầu tư giai đoạn 2, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phạm vi bao gồm cả giai đoạn 1 để áp dụng chung các cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ.

Các cơ chế được đề xuất gồm: Cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu xây lắp, ưu tiên những đơn vị đã tham gia thi công tương ứng các đoạn tuyến trước đây; cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cho phép triển khai đồng thời công tác lập dự án và thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần tương tự như đối với dự án nhóm A.

Nếu được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, việc đầu tư mở rộng dự kiến báo cáo Bộ Chính trị chủ trương đầu tư mở rộng trong tháng 4/2025; phê duyệt chủ trương/điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 6/2025 (trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025).

Công tác phê duyệt dự án thành phần dự kiến trong tháng 9/2025; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trong tháng 11/2025; khởi công dự án: quý IV/2025.

Dự kiến năm 2025, khối lượng giải ngân dự án khoảng 23.000 - 35.000 tỷ đồng; phần còn lại tiếp tục giải ngân trong giai đoạn 2026 - 2027.

Trên cơ sở phân tích, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).

"Trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đề xuất giao Bộ Xây dựng triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo hướng điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, kèm theo các cơ chế, chính sách đặc thù.

Để bảo đảm tính đồng bộ, các dự án hiện đang do VEC đầu tư hoặc đang thu phí sẽ tiếp tục giao VEC chịu trách nhiệm huy động vốn đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch tùy thuộc vào nhu cầu vận tải (không bao gồm đoạn TP.HCM - Long Thành).

Các dự án BOT sẽ do nhà đầu tư tiếp tục xem xét đầu tư mở rộng vào thời điểm thích hợp tùy thuộc phương án tài chính, nhu cầu vận tải", Bộ Xây dựng báo cáo.

Nguồn: baoxaydung.vn



Hoạt động liên quan của Ban ATGT BR-VT
Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quang Tấn
Phó chánh văn phòng phụ trách văn phòng Ban ATGT tỉnh BR-VT.
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không được Ban an toàn giao BR-VT thông chập nhận bằng văn bản
Địa chỉ: Tầng 4, Sở giao thông vận tải, số 198, đường Bạch Đằng, Phường Phước Trung, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Điện thoại: 02543 727 841
Email: banatgtbrvt@gmail.com
Thiết kế & phát triển bởi Ban ATGT tỉnh BR-VT Bản quyền thuộc về:
banatgt.baria-vungtau.gov.vn