Hôm nay (21/3), Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức Hội thảo nhà thầu trong nước phát huy nội lực tham gia xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam.
Lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt thông tin tại hội thảo.
Ông Chu Văn Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện hữu, hiện nay, có 2 dự án đường sắt đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư là dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Trong đó, dự án ĐSTĐC được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với chiều dài 1.541km qua 20 tỉnh, thành. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 67 tỷ USD, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trước yêu cầu của Chính phủ về khởi công dự án vào cuối năm 2027, cơ bản hoàn thành vào năm 2035, theo lộ trình được xây dựng, việc triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện từ năm 2025.
Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai lựa chọn tư vấn quản lý dự án, tiến hành đấu thầu quốc tế để lựa chọn tư vấn nước ngoài trong thời gian từ tháng 3 - 5/2025. Từ tháng 9/2025 - 4/2027, lựa chọn tư vấn thiết kế báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tháng 12/2027, dự kiến tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp, khởi công dự án.
Dự báo cho thấy, việc đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt đến 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm cả đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị) sẽ mang đến thị trường xây dựng khoảng 76 tỷ USD, thị trường thiết bị khoảng 34 tỷ USD. Riêng thị trường xây dựng từ dự án đường sắt tốc độ cao khoảng 33 tỷ USD.
"Theo đánh giá, đối với các hạng mục xây dựng, doanh nghiệp xây dựng trong nước cơ bản có thể làm chủ 90 - 95%. Một số hạng mục có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt có thể chuyển giao và giao nhà thầu Việt Nam đảm đương", ông Tuân thông tin.
Cho biết đảm bảo tiến độ triển khai dự án, 19 cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, Ban QLDA Đường sắt cũng chỉ rõ một số rào cản đối với doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tại dự án.
Cụ thể như: Dự án có kỹ thuật và công nghệ phức tạp, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam là thách thức lớn cho các nhà thầu nội (thiết kế và xây lắp) khi chưa có kinh nghiệm tham gia các công trình có tính chất tương tự; Tổng mức đầu tư lớn, việc phân chia gói thầu giá trị lớn, nhà thầu sẽ khó đảm bảo được tiêu chí về năng lực tài chính và các dự án tương tự; Chưa có gói thầu tín dụng đặc biệt cho vay các gói thầu thi công dự án với lãi suất ưu đãi…
Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Ảnh: A.I).
Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, xét trong khối nhà thầu xây dựng của chúng ra hiện nay, số doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng đếm không hết đầu ngón tay.
Thay vì đấu thầu quốc tế, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu chỉ định thầu và giảm giá 5% giá trị xây lắp như từng làm ở dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. "Thế nhưng, quy mô gói thầu bao nhiêu được gọi là phù hợp với nhà thầu Việt là điều cần bàn tới?", ông Hiệp gợi mở.
Đi thẳng vào vấn đề, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, căn cứ thực tế năng lực thi công các dự án đường bộ cao tốc trọng điểm, nhiều nhà thầu lớn ở Việt Nam hiện đủ sức đảm đương gói thầu quy mô khoảng 1 tỷ USD.
"Làm phép toán nhanh, ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, một gói thầu 5.000 tỷ đồng chỉ làm mất khoảng 2 năm.
Dự án ĐSTĐC làm trong khoảng 5 - 7 năm, giá trị mỗi gói thầu có thể triển khai là 20.000 tỷ đồng trong điều kiện đáp ứng đầy đủ mặt bằng, vật liệu. Nếu các nhà thầu liên danh, liên kết, việc phân chia gói thầu có thể đạt giá trị cao hơn", ông Khôi phân tích.
Đề cao phương châm: Dự án sử dụng nguồn vốn trong nước thì ưu tiên cho nhà thầu nội làm, theo ông Khôi, chỉ định thầu là cơ chế cần được xem xét.
"Việc chia gói thầu không nên tính từ nền móng đến ray mà cần xem xét chia kết cấu hạ tầng riêng, ray và thiết bị là một phần riêng. Với phương án đó, các hạng mục công trình áp dụng chỉ định thầu chỉ tương tự như dự án đường bộ, có thể xét các tiêu chí tương tư, tối ưu thời gian, đẩy nhanh tiến độ dự án", lãnh đạo Công ty Phương Thành nêu ý kiến.
Kỳ vọng Nhà nước sẽ ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực quản trị, tổ chức thi công được chứng minh qua các dự án đường bộ lớn, hầm lớn đã hoàn thành được tham gia "siêu dự án" ĐSTĐC, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cũng ủng hộ cơ chế chỉ định thầu tại dự án ĐSTĐC Bắc - Nam.
"Cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét bỏ tiêu chí công trình tương tự bởi đây là tiêu chí nhà thầu trong nước rất khó đáp ứng đối với dự án lần đầu tiên đầu tư ở Việt Nam. Thay vào đó, cho phép các nhà thầu Việt Nam được sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt.
Tỷ lệ giảm giá bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào quy mô gói thầu, công nghệ áp dụng để tính toán chính xác", ông Dũng đề xuất.
Về tổ chức thực hiện, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả mong muốn tách thành hai hợp phần. Hợp phần xây dựng (từ ray trở xuống: cầu, đường, hầm) giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện.
Hợp phần từ ray trở lên (đầu máy, toa xe…) giao doanh nghiệp Nhà nước, sử dụng thầu phụ đặc biệt để có cơ hội tiếp cận, chuyển giao, làm chủ công nghệ.
Nguồn: baoxaydung.vn