Ngày 17/1, Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Hội nghị tổng kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại hội nghị, nhiều vấn đề nóng về tình hình trật tự ATGT được đưa ra mổ xẻ, tìm giải pháp.
Một vụ TNGT xảy ra tại địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá vào hôm 30/12/2023 khiến nam thanh niên tử vong.
Tham luận tại hội nghị, Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Tình hình TNGT trong năm qua mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn đang còn cao.
Qua phân tích đánh giá thì nguyên nhân dẫn tới TNGT xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân chính vẫn là ý thức tham gia giao thông chiếm tỷ lệ tới 95% số vụ xảy ra.
"Thực tế cho thấy, một số bộ phận người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt ở các khu đông dân cư, thành phố lớn thì việc tham gia giao thông như "điền vào chỗ trống", tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.
Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá tham luận tại hội nghị.
Điển hình như việc chuyển hướng sai (chiếm 8,9% số vụ), vi phạm phần đường, làn đường (chiếm 15,6% số vụ), thiếu chú ý quan sát (chiếm 31,3% số vụ)...
"Có trường hợp con đi về làm đám ma cho bố, đến khi ra đường không chú ý quan sát, chuyển hướng sai dẫn đến TNGT tử vong. Quá đau xót", Đại tá Chiến dẫn chứng.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, nhiều nơi không có trách nhiệm, xem việc tuyên truyền, xử lý vi phạm ATGT là của ngành công an.
"Mặc dù đã có nhiều chỉ đạo cụ thể nhưng khảo sát cho thấy việc thực hiện đang ở trạng thái "trên nóng, dưới lạnh" nên dù có làm gì đi nữa thì việc kéo giảm TNGT là rất khó vì không thực sự đồng bộ", Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá thẳng thắn chỉ rõ.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết bảo đảm trật tự ATGT năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Về giải pháp trong thời gian tới, Đại tá Lê Văn Chiến đề nghị Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá sớm có biện pháp tăng cường kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo ở các cấp, ngành địa phương.
Tích cực tuyên truyền sâu rộng, thực tế để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Đặc biệt, đối với các thanh, thiếu niên, học sinh phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quy trách nhiệm rõ ràng.
Trước tình trạng học sinh và một số bộ phận cán bộ, giáo viên vi phạm giao thông, ông Tạ Hồng Lựu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá cho hay: Trong 1 triệu học sinh trên địa bàn thì có gần một nửa số đó chủ động tham gia giao thông.
Thời gian qua, Sở cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu các nhà trường tập trung giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật nên đã có nhiều biến chuyển trong nhận thức.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng cần xem xét thay đổi giáo trình đào tạo, sát hạch.
"Thời gian tới, Sở cũng đề nghị các phó chủ tịch huyện theo dõi lĩnh vực giáo dục yêu cầu các nhà trường báo cáo số liệu vi phạm của học sinh, giáo viên cụ thể. Trên cơ sở dữ liệu đã có sẽ tính toán hình thức xử lý gắn với thi đua", ông Lựu cho hay.
Về công tác xử lý cán bộ, viên chức, đảng viên vi phạm giao thông, trong đó nổi cộm vi phạm nồng độ cồn, ông Mai Xuân Liêm cho rằng: Thời gian qua, lực lượng Công an làm rất tốt các chuyên đề về nồng độ cồn và đã có nhiều chuyển biến. Song bên cạnh đó vẫn có sự gian dối trong khai báo khi bị xử lý.
Ông Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc Gia cho biết từ số liệu vi phạm giao thông thì cũng cần xem lại công tác đào tạo, sát hạch cho phù hợp.
"Mới đây, tôi trực tiếp ký quyết định xử phạt hành chính đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong văn bản trình ký là lao động tự do nhưng thực tế người vi phạm tôi nắm rất rõ, đó là lái xe trong văn phòng UBND tỉnh.
Trong năm 2023 tại Thanh Hoá xảy ra 625 vụ TNGT, làm chết 243 người, bị thương 630 người, so cùng kỳ 2022 tăng 309 vụ TNGT (tăng 97,7%), tăng 120 người chết (tăng 97,5%), tăng 342 người bị thương (tăng 118,7%).
Ngay cả việc khai báo cũng gian dối như vậy thì làm sao mà thay đổi được nhận thức. Vì vậy, tôi cần các ngành cần tham mưu để có hướng xử lý cụ thể, một cá nhân vi phạm thì phải xem xét đánh giá thi đua cả năm với đơn vị đó", ông Liêm cho hay.
Tương tự, ông Liêm cũng yêu cầu công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị, thành phố gửi thông báo danh sách học sinh, giáo viên vi phạm về nhà trường. Hằng quý, Sở Giáo dục và Đào tạo phải có báo cáo cụ thể sang UBND tỉnh nắm để có biện pháp xử lý.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thẳng thắn nói rõ: Theo tôi cảm nhận, hiện nay việc đào tạo dường như chỉ là đối phó, cho đủ chỉ tiêu, còn thực tế khi tham gia giao thông để một người hiểu luật và sử dụng tốt kỹ năng thì chỉ là con số rất ít. Ở đây cũng phải nói thêm đến giáo trình, thiết bị.
Cách đây 10 năm, tôi cũng đã từng có ý kiến về việc thay đổi giao trình đào tạo, sát hạch lái xe cho phù hợp thực tế bởi hạ tầng giao thông, tình huống va chạm giao thông muôn hình, cần phải có kỹ năng thực tế.
Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá đã trao tặng bằng khen, giấy khen cho 11 tập thể và 22 cá nhân đã có thành tích trong công tác đảm bảo TTATGT năm 2023.
"Sắp tới tôi sẽ trực tiếp đi kiểm tra bất cứ một trường nào đó để xem cách đào tạo như thế nào. Tôi sẽ đi kiểm tra đột xuất và hỏi trực tiếp giáo viên ở đó những tình huống cơ bản chứ không phải trên lý thuyết.
Trên cơ sở khảo sát và ý kiến của các ngành, tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị Cục đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT xem xét có sửa đổi cho phù hợp.
Thời gian tới, Sở GTVT Thanh Hoá cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, làm phải chặt chẽ, không lấy chỉ tiêu và quan điểm không tạo ra "sản phẩm" lỗi ", ông Liêm nhấn mạnh.
Năm 2023 Sở GTVT Thanh Hoá đã tổ chức học, sát hạch, cấp mới 26.703 GPLX mô tô hạng A1; 16.413 GPLX ô tô các hạng B1, B2, C, D, E; đã nhận hồ sơ làm thủ tục cấp đổi, cấp do bị mất là 55.411 GPLX các hạng.
Tổng số người được cấp giấy phép trong toàn tỉnh đến 15/12/2023 là 1.204.671 GPLX mô tô hạng A1; 235.548 GPLX ô tô các hạng B1, B2, C, D, E.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh: Số liệu thống kê cho thấy trong ăm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm, phạt tiền 6.576 tỷ đồng. Từ con số này cho thấy tại sao vi phạm giao thông lại nhiều như vậy?!
"Như anh Liêm đề cập, chúng ta phải xem xét lại quá trình đào tào, đến lúc cũng phải có đánh giá lại các giáo trình, thiết bị.
Thực tế, có những trường hợp chỉ thi GPLX để đậu chứ không thể hiểu hết luật giao thông, đó là chưa nói đến các địa phương ở miền núi...
Thời gian tới, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch, tờ trình gửi Bộ GTVT xem xét. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có đề nghị gửi lên Bộ GTVT.
"Sẽ có thay đổi giáo trình đào tạo, tuy nhiên, trước mắt địa phương cần quan tâm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng", Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia nói.
Liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn, ông Mai Xuân Liêm yêu cầu các huyện, chủ đầu tư cần lưu ý tới các phương tiện chở quá tải khi phục vụ thi công trình. Các dự án xây dựng cơ bản, trong quá trình thực hiện nếu có bất cập, không đảm bảo ATGT thì phải xử lý ngay từ đầu không để phát sinh.
Nguồn: baogiaothong.vn