Một giải pháp đặc biệt vừa được chuyên gia từng công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giúp chống ùn tắc mà không cần cấm xe máy.
Ông Nguyễn Đức Thắng (cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã về hưu) vừa đề xuất giải pháp giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM. Đề xuất này được Ban Tổ chức Hội nghị ATGT Việt Nam giới thiệu trong kỷ yếu của Hội nghị.
Theo ông Thắng, Hà Nội vẫn thường xuyên ùn tắc vào các giờ cao điểm. Nhiều triệu lượt người bị ách tắc xe dưới nắng nóng, dưới mưa, quanh năm ngày tháng gây tiêu hao xăng dầu, xả thải khói bụi, các khí độc hại và tiếng ồn vào môi trường, bao trùm toàn thành phố.
Những người lái xe hít thở các khí thải trực tiếp từ các ống xả của nhau. Người dân cho dù sống trong các ngõ ngách cũng phải hít thở khí thải phát tán từ xăng xe.
Các nhà khoa học của Viện chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) xác định ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã tăng gấp 5 lần (500%) so với quy định do việc ùn tắc giao thông gây ra. Đồng thời, ùn tắc giao thông cũng gây thiệt hại từ 1 đến 1,2 tỉ USD mỗi năm, tương đương khoảng 23.300 - 27.960 tỉ đồng. Nguyên nhân do tăng trưởng hàng năm của nhu cầu đi lại luôn cao hơn tăng trưởng của cơ sở hạ tầng giao thông.
Từ thực trạng trên, ông Thắng đưa ra “giải pháp xung” hiến kế cho giao thông Hà Nội. Đây là giải pháp về tổ chức quản lý vĩ mô sao cho giao thông đô thị quay ngược 180 độ, đi phù hợp với qui luật chung của thế giới, lật ngược tỷ lệ phương tiện công cộng/cá nhân hiện nay.
Cụ thể, ông Thắng đưa ra 2 bí quyết. "Bí quyết 1”, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng hệt hống xe buýt mới, phủ kín khắp nội, ngoại thành, hoàn hảo, tiện nghi, văn minh. Hệ thống xe buýt phải đảm bảo sau khi đi bộ một khoảng cách hợp lý (dưới 250m) và chờ đợi (dưới 15 phút), người dân có thể lên được xe buýt đi bất kỳ một địa điểm nào. Bí quyết này được ông Thắng ví như một “bàn tiệc giao thông" xe buýt mở ra, mời người dân sử dụng.
2 tháng trước khi đưa vào vận hành, thực hiện tuyên truyền, quảng cáo đậm đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hệ thống xe buýt mới. Tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua vé tháng cho cán bộ, nhân viên của mình. Thực hiện 3 ngày đi lại miễn phí cho mọi người để làm quen với hệ thống xe buýt mới khai trương thực tế nhiều người đã mua vé tháng.
Trẻ em dưới 6 tuổi và người già trên 75 tuổi được miễn phí. Học sinh, sinh viên, người trên 65 tuổi được giảm 50% giá vé. Khi mà 70 - 80% người dân đi lại bằng xe buýt thì hình thức quảng cáo trên xe buýt sẽ đem lại nguồn thu rất quan trọng cho thành phố. Vì vậy xe buýt cần được thiết kế để thuận lợi cho việc tháo dỡ thay thế quảng cáo.
Với “bí quyết 2”, ông Thắng nêu giải pháp để khi mở “bàn tiệc giao thông”, đưa thêm xe buýt mới vào mà không gây ùn tắc giao thông. Theo đó, ngày khai trương "bàn tiệc giao thông" cũng là ngày thực hiện quy định đối với xe máy, ô tô cá nhân: Từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, xe số chẵn đi ngày chẵn, xe số lẻ đi ngày lẻ. Do vậy cắt “cơ học” được 50% lượng xe cá nhân ra khỏi lưu thông.
"Chỉ áp dụng qui định này khi mở ra “bàn tiệc” xe buýt. Không bao giờ được cấm phương tiện cá nhân khi mà không có phương tiện công cộng thay thế. Vì đi lại là nhu cầu sinh tồn cơ bản của mọi người dân. 50% lượng xe cá nhân còn lại, theo qui luật của xác suất ngẫu nhiên: Một nửa đi xe cá nhân, một nửa chọn đi xe buýt mới. Do vậy tiếp tục cắt giảm được 50% - 75% xe cá nhân, loại ra khỏi giao thông", ông Thắng khẳng định.
Trước giải pháp ông Thắng đưa ra, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu các phòng ban chuyên môn của Sở GTVT nghiên cứu, xem xét các đề xuất, giải pháp để có thể tiến tới áp dụng cho giao thông Hà Nội nếu thấy khả thi.