Điểm đáng chú ý tại Thông tư mới (có hiệu lực từ 1/1/2025) là quy định cụ thể liên quan tới hoạt động nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa.
Trong đó, việc nạo vét khẩn cấp được thực hiện theo trình tự sau: Quyết định việc nạo vét khẩn cấp; Tổ chức thực hiện nạo vét khẩn cấp; Tổ chức lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình; Thanh toán, quyết toán công trình.
Quyết định nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải công cộng, luồng đường thủy nội địa sẽ được Cục Hàng hải VN hoặc Cục Đường thủy nội địa VN ban hành và là chủ đầu tư thực hiện (Ảnh: Chanaco).
Cụ thể, trong 3 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra thiên tai, tai nạn bất ngờ, sự cố trên luồng, cảng vụ hàng hải (đối với luồng hàng hải công cộng), cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực (đối với đường thủy nội địa quốc gia) chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý vận hành luồng hàng hải công cộng, đơn vị bảo trì đường thủy nội địa quốc gia, khảo sát, đánh giá sơ bộ mức độ khẩn cấp và báo cáo Cục Hàng hải VN hoặc Cục Đường thủy nội địa VN thực hiện nạo vét khẩn cấp.
Việc báo cáo bao gồm diễn biến, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thiên tai, tai nạn bất ngờ, sự cố trên luồng gây ách tắc, cản trở đến hoạt động giao thông hàng hải, đường thủy nội địa hoặc sự kiện bất khả kháng khác.
Mục đích nạo vét; khu vực, phạm vi nạo vét; thời gian nạo vét công trình; khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét chính thức hoặc khu vực tập kết, tiếp nhận tạm thời chất nạo vét đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Cục Hàng hải VN hoặc Cục Đường thủy nội địa VN tổng hợp các thông tin, dự kiến kinh phí thực hiện nạo vét và các yêu cầu cần thiết khác có liên quan (nếu có), báo cáo Bộ GTVT để xem xét quyết định chấp thuận chủ trương nạo vét khẩn cấp.
Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận chủ trương nạo vét khẩn cấp. Trường hợp không chấp thuận, có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Trên cơ sở ý kiến chấp thuận chủ trương của Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN hoặc Cục Đường thủy nội địa VN ban hành quyết định nạo vét khẩn cấp.
Hai cơ quan này sẽ thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, thẩm quyền của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng và được quyết định các công việc trong hoạt động nạo vét khẩn cấp.
Các quyết định bao gồm: Quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, thi công nạo vét và các công việc cần thiết khác phục vụ nạo vét công trình khẩn cấp; quyết định về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công nạo vét; quyết định về việc giám sát thi công nạo vét và nghiệm thu công trình đáp ứng yêu cầu của Quyết định nạo vét khẩn cấp; gửi văn bản đến UBND cấp tỉnh phối hợp trong quá trình thực hiện dự án nạo vét.
Căn cứ quyết định nạo vét khẩn cấp luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa, chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay các gói thầu thuộc công trình nạo vét khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng (bao gồm mặt bằng nạo vét và vị trí đổ chất nạo vét) cho nhà thầu thi công để tổ chức thực hiện thi công công trình.
Nguồn: baogiaothong.vn