Những ngày cuối tháng 11, PV Báo Giao thông dọc theo quốc lộ 5 tìm về xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương để hỏi thăm Đội sơ cấp cứu tình nguyện.
Đội trưởng Đội xe ôm cứu hộ này là ông Nguyễn Ngọc Tuy (73 tuổi). Các tài xế xe ôm ở xã Tuấn Việt đều trìu mến nhắc đến ông Tuy, bởi hầu hết họ đều từng được ông Tuy tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT).
Ông Nguyễn Ngọc Tuy đã hơn 30 năm tự nguyện cứu giúp nạn nhân TNGT trên quốc lộ 5.
Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng ông Tuy còn mạnh khỏe, dẻo dai. Ông Tuy kể, cuối những năm 1980, gia đình ông chuyển ra ven quốc lộ 5 đoạn Km67 sinh sống và bán quán nước. Ngồi bán nước ven đường, ông giật mình thấy khu vực này thường xuyên xảy ra TNGT, có ngày 2-3 vụ.
Vốn chỉ là một người dân bình thường, chưa có kỹ năng sơ cấp cứu nên mỗi lần thấy nạn nhân nằm ngã ra đường, ông Tuy rất thương xót, song không biết làm cách nào giúp họ.
Cùng lắm, ông chỉ biết gọi cấp cứu và đành phải đợi nhân viên y tế đến. Nhưng không phải vụ nào xe cấp cứu cũng đến được ngay, thời gian nạn nhân nằm chờ là thời gian vàng để giúp nạn nhân giảm thiểu thương tích, nếu để lâu có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đáng nói, có vụ TNGT xảy ra, một vài người dân chỉ biết xúm lại xem, chỉ trỏ mà không có động thái hỗ trợ. Rồi thêm vài đối tượng xấu nhân cơ hội tìm cách hôi của, lấy đồ đạc của nạn nhân khiến ông Tuy vừa bức xúc vừa đau lòng.
Những năm 1992, ông Tuy đã tự nghiên cứu, học hỏi các sơ cấp cứu nạn nhân và bắt đầu sơ cứu nạn nhân không may gặp nạn trên đường.
Kể từ đó, bất kỳ khi nào nghe tin có TNGT quanh khu vực, ông Tuy lại tức tốc bỏ lại mọi công việc chạy đến sơ cấp cứu nạn nhân bất kể ngày hay đêm.
Điểm sơ cấp cứu quốc lộ 5 đặt tại nhà ông Tư, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn.
Tiếng lành đồn xa, năm 1999, Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Thành đã lập điểm sơ cấp cứu ngay tại nhà ông và ông được cử đi tập huấn lớp sơ cấp cứu.
Năm 2006, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức dự án nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu TNGT trên quốc lộ 5, ông Tuy được chọn tham gia và tập huấn nâng cao.
Nhận thấy cần phát triển mạng lưới sơ cấp cứu từ những người làm nghề xe ôm quanh khu vực, năm 2008, ông Tuy đã vận động được 5 thành viên tham gia, đều là những người có nhà cạnh quốc lộ 5.
Với những cống hiến cho cộng đồng suốt hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Tuy đã nhận được bằng khen của TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bằng khen của tỉnh Hải Dương, giải thưởng KOVA - Những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội năm 2006.
Sau đó, tổ được nhân lên 12 người hợp thành Đội sơ cấp cứu tình nguyện, do ông làm Đội trưởng. Họ được ông tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, mặc đồng phục và được phân chia địa bàn, ca kíp để nắm được thông tin sớm nhất.
Ông Tuy tâm sự: "Chúng tôi làm việc này là tự nguyện, không nghĩ đến công sá gì cả. Nhà ở sát quốc lộ, khi thấy người bị tai nạn nằm đau đớn, thấy không cầm lòng được nên đã đến giúp đỡ họ".
Ông Nguyễn Văn Muôn, thôn Tân Hưng, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, thành viên Đội sơ cấp cứu tình nguyện xã Tuấn Việt cho biết: "Ban đầu, chỉ là thấy có TNGT gần nhà thì chúng tôi giúp đỡ. Dần dần, thấy có những người cũng làm công việc này giống mình, chúng tôi tự kết nối với nhau để chia sẻ kinh nghiệm. Rồi lâu dần thành quen, cứ có tai nạn trên quốc lộ, dù xa cả vài km, dù đêm hay ngày, nắng hay mưa, người dân lại gọi chúng tôi".
Cứ như vậy, hơn 30 năm qua, Đội sơ cấp cứu tình nguyện xã Tuấn Việt đã cứu giúp được cả nghìn người bị nạn trên quốc lộ 5.
"Chúng tôi mong muốn công việc này ít dần đi để không phải chứng kiến các vụ TNGT, ai cũng được bình an trên cung đường mưu sinh", ông Muôn nói.
Vừa đưa cho chúng tôi xem chiếc túi đã ngả màu nhưng vẫn đảm bảo chứa đựng đủ các dụng cụ y tế như nẹp, gạc, bông băng y tế… ông Tuy nói: "Đây đều là các vật dụng tôi bỏ tiền ra mua nhằm cứu giúp nạn nhân, từ khi hai vợ chồng còn phải bán 2 tạ thóc đi lấy tiền mua thiết bị y tế".
"Năm 2018, theo yêu cầu người sơ cấp cứu phải có chứng chỉ y tế về sơ cấp cứu nên chúng tôi ngừng hoạt động 2 năm. Năm 2020, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương tổ chức lại đội sơ cấp cứu, tôi có tham gia. Tôi sẽ còn làm công việc này đến khi nào sức khỏe còn cho phép", ông Tuy chia sẻ.
Chân dung ông Nguyễn Ngọc Tuy, người đàn ông U70 có tấm lòng thiện lương.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ mang tấm lòng thiện lương cứu giúp người TNGT, ông Tuy còn là người năng động làm kinh tế và hết lòng hỗ trợ người yếu thế trong xã hội.
Theo đó, năm 2005, ông thành lập một trung tâm dạy nghề may bao bì đóng gói nông sản cho người khuyết tật. Ông đã nhận các em khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam, người tai nạn lao động vào dạy nghề và làm việc.
Giai đoạn đầu, ông Tuy đã dạy nghề cho khoảng 100 em, một số em đến nay vẫn gắn bó với ông, một số em tay nghề khá hơn đã đi làm chỗ khác.
Để có thể giao tiếp với các em bị câm điếc ông đã đi học một lớp về ngôn ngữ ký hiệu. Đối với các cháu giảm thiểu trí nhớ, ông phải luôn dặn dò các cháu hằng ngày vì nhiều khi các cháu đang làm lại bỏ đi sang chỗ khác hoặc sai làm việc này lại làm việc kia. Hiện, nay xưởng của ông có 33 nhân công lao động là người khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Tuy cho biết, ông dự định sẽ dựng thêm một xưởng nữa để nhận thêm các em khuyết tật vào làm giúp các em có sinh kế, ổn định cuộc sống tốt hơn.
Nguồn: baogiaothong.vn