Đã gần 2 tháng trôi qua, nhưng người dân xã Tiền Tiến, TP Hải Dương vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại vụ tai nạn làm chị V.T.T (sinh năm 1986, giáo viên trường Tiểu học Liên Mạc, huyện Thanh Hà) tử vong.
Hôm đó, vào khoảng 7h30 ngày 19/8, chị T đi xe máy trên đường tỉnh 390B hướng Tiền Tiến đi Thanh Hà thì bị xe máy biển số 34E1-301.96 do N.V.H ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, chở P.V.M (cùng sinh năm 2006), ở xã Thanh Lang (huyện Thanh Hà) đi ngược chiều lấn làn đâm trúng.
Lực lượng cảnh sát giao thông Hải Dương ra quân xử lý thanh, thiếu niên đi xe máy khi chưa đủ tuổi.
Vụ tai nạn làm nạn nhân tử vong tại hiện trường. Xem lại video vụ việc, nhiều người dân đều bức xúc vì hành vi coi thường pháp luật của 2 thanh niên và thương cảm cho cô giáo.
Mới đây, vụ tai nạn giao thông xảy ra vào 22h30 ngày 8/10, trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) giữa 2 xe máy khiến 4 người bị thương cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Ba thanh niên (1 người 21 tuổi, 2 người mới 17 tuổi) chở nhau trên chiếc xe máy Yamaha Exciter không gắn biển số đi trên đường Nguyễn Lương Bằng, hướng ngã tư Máy Sứ đi quốc lộ 5 đã tông vào cặp vợ chồng ở xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) đi xe máy cùng chiều đang chuyển hướng rẽ trái. Vụ tai nạn đã khiến cặp vợ chồng, 2 thanh niên bị chấn thương sọ não.
Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương, 9 tháng qua, toàn tỉnh Hải Dương xảy ra 539 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm 182 người chết và 457 người bị thương.
Trong đó, 111 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên, làm 29 trẻ em bị tử vong, 95 trẻ em bị thương.
So với cùng kỳ năm 2023, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em tăng 80 vụ, tăng 9 trẻ em chết và tăng 63 trẻ em bị thương.
Trước việc những thanh thiếu niên lái xe có hành vi mạo hiểm, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, coi thường pháp luật, Công an tỉnh và Ban an toàn giao thông tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn.
Là người tham gia Tổ công tác 151 đấu tranh, trấn áp xử lý các loại tội phạm đường phố trên địa bàn TP Hải Dương, Trung tá Đặng Xuân Hoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Hải Dương cho biết: Từ đầu năm đến nay, Công an TP Hải Dương đã khởi tố 3 vụ gây rối trật tự công cộng với khoảng 70 đối tượng liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Trong số này, độ tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi chiếm 90%, một vài trường hợp đã đủ 18 tuổi (khoảng 60% số cháu vẫn còn đi học, một số đã bỏ học giữa chừng).
Ban An toàn giao thông Hải Dương tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông tại trường học.
"Nhiều trường hợp học sinh bố mẹ ly hôn, ở với ông bà nên thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa; có trường hợp chiều con thái quá, mua xe máy cho con trong khi con chưa đủ tuổi điều khiển.
Một số cháu mới lớn, thích thể hiện, thích khẳng định bản thân, đua đòi theo bạn bè, thích tụ tập, a dua. Một số cháu nhận thức còn hạn chế đơn thuần nghĩ lỗi của mình chỉ là vi phạm hành chính, đến khi bị tạm giữ hình sự rồi mới nhận ra thì đã muộn…", trung tá Hoàn nói.
Triển khai kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ ngày 1-31/10, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Hải Dương ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.
Kết quả, đã xử lý 1.514 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, phạt 974 triệu đồng, tạm giữ 947 phương tiện (gồm 493 xe mô tô, 454 xe gắn máy, máy điện).
Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: 1.159 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 580 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, 266 trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, 50 trường hợp vi phạm tốc độ, 29 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, 8 trường hợp chở quá số người quy định…
Để ngăn chặn thanh thiếu niên vi phạm giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương đã tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông tại 13 trường học trong tỉnh với gần 9.700 học sinh tham gia.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào tình hình trật tự an toàn giao thông toàn tỉnh, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, văn hóa giao thông, kỹ năng, trách nhiệm tham gia giao thông cho các em học sinh...
"Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông cho lứa tuổi học sinh rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình, nhà trường, xã hội. Sự đồng hành của gia đình là vô cùng quan trọng. Mỗi bậc phụ huynh cần là tấm gương về việc tuân thủ quy định pháp luật về giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho con em mình và tuyệt đối không giao xe máy, xe gắn máy, xe máy điện cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện", đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương cho biết.
Mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan lựa chọn và tổ chức thực hiện mô hình thí điểm kết hợp gia đình - nhà trường - xã hội về nói "không" với việc giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông; tổ chức sơ kết, đánh giá và nhân rộng trên toàn tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục yêu cầu học sinh tự đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để phối hợp công an địa phương và các lực lượng chức năng kiểm tra, quản lý.
Yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh.
Các xã, phường, thị trấn rà soát trên địa bàn việc tổ chức trông giữ phương tiện của các hộ dân gần khu vực các trường học; yêu cầu các hộ dân cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh; không trông, giữ xe gắn máy, xe máy điện của học sinh dưới 16 tuổi...
Nguồn: baogiaothong.vn