Đội mũ bảo hiểm không chỉ là tuân thủ luật lệ, mà còn là một hành động thể hiện trách nhiệm, bảo vệ sự an toàn cho con trẻ và góp phần xây dựng ý thức giao thông văn minh từ nhỏ.
Phụ huynh đưa con đến trường mầm non bằng xe gắn máy không trang bị mũ bao hiểm cho trẻ. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Du, TP.Vũng Tàu sáng ngày 01/11). |
Thờ ơ trước an toàn của trẻ
Tình trạng phụ huynh chở con nhỏ bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm cho trẻ đang rất phổ biến. Đây không chỉ là hành vi không tuân thủ pháp luật, mà còn thờ ơ trước an toàn của trẻ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một cú va chạm nhẹ cũng có thể gây chấn thương nghiêm trọng đến não bộ và hệ xương khớp non nớt của trẻ. Trong khi đó, va chạm giao thông liên quan đến xe máy ở nước ta rất nhiều. Việc trẻ không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ không đạt tiêu chuẩn, không đúng cách, đồng nghĩa với việc bỏ qua lớp phòng vệ quan trọng, giúp trẻ giảm thiểu nguy hiểm khi xảy ra va chạm.
“Trẻ em không có khả năng tự bảo vệ như người lớn, đặc biệt trong những tình huống va chạm. Cơ thể của trẻ còn non nớt, nhất là hệ xương và não bộ, nên rất dễ bị chấn thương nghiêm trọng khi va chạm. Mũ bảo hiểm là lớp bảo vệ đầu tiên và quan trọng nhất cho trẻ trong tình huống xảy ra tai nạn, giúp giảm thiểu rủi ro chấn thương sọ não và các chấn thương nguy hiểm khác”, bác sĩ Phan Văn Tú, Khoa chấn thương chỉnh hình-Bệnh viện Bà Rịa chia sẻ.
Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu An toàn giao thông quốc gia, việc đội mũ bảo hiểm có thể giảm tới 70% nguy cơ chấn thương sọ não và 40% nguy cơ tử vong khi xảy ra tai nạn giao thông. |
Tâm lý chủ quan của nhiều phụ huynh
Một số phụ huynh vẫn cho rằng quãng đường di chuyển ngắn không cần thiết phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Chị Nguyễn Thị H. (ngụ phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) bộc bạch: “Nhà cách trường chỉ khoảng 100m, nhiều lúc vội quá, cộng với tâm lý chủ quan di chuyển đoạn đường ngắn nên tôi chở con đi học mà quên nhắc con đội mũ bảo hiểm”.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc lựa chọn mũ bảo hiểm phù hợp cho trẻ, cho rằng trẻ cảm thấy khó chịu hoặc không muốn đội. Anh Nguyễn Thế V. (ngụ phường 1, TP.Vũng Tàu) thường xuyên chở con đi học bằng xe gắn máy đến trường, cho biết: “Tôi đã mua mũ bảo hiểm cho con, nhưng cháu đội vào cảm giác không quen, nóng đầu, ngứa ngáy, khó chịu nên hôm nào nhắc thì đội, còn không thì vẫn thích đầu trần khi chở đến trường”.
Thực tế, hiện nay đã có nhiều loại mũ bảo hiểm được thiết kế riêng cho trẻ em với độ thoải mái và an toàn cao, phù hợp với từng lứa tuổi và không ảnh hưởng đến cảm giác thoải mái của trẻ khi sử dụng.
Hình thành thói quen
Để thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của phụ huynh trong việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ, các cơ quan chức năng và nhà trường cũng đã kết hợp tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông, giúp phụ huynh và học sinh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của mũ bảo hiểm, hậu quả nghiêm trọng khi không bảo vệ trẻ đúng cách.
Tuy nhiên, phụ huynh mới chính là tấm gương cho con cái noi theo. Việc cha mẹ thực hiện đúng quy định giao thông không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho bản thân và con trẻ mà còn là cách giáo dục tinh thần trách nhiệm, xây dựng văn hóa giao thông văn minh cho thế hệ trẻ. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những hành vi của người lớn; khi cha mẹ tuân thủ đội mũ bảo hiểm, trẻ sẽ hình thành thói quen tốt ngay từ nhỏ. Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em không chỉ là sự tuân thủ quy định mà còn là hành động bảo vệ con em, thể hiện trách nhiệm và tình yêu thương của cha mẹ.
“Đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đưa đón đến trường bằng xe máy là một biện pháp nhỏ nhưng mang lại hiệu quả bảo vệ lớn. Việc đội mũ bảo hiểm cho con không chỉ là quy định pháp luật mà là trách nhiệm của mỗi phụ huynh đối với sự an toàn của con em mình”, ông Dương Quang Tấn, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh nói.
Nguồn: baobariavungtau.com.vn